Một cửa hàng kinh doanh quần áo tại chợ Thủ Dầu Một
Đối mặt nhiều khó khăn
Khảo sát tại chợ Thủ Dầu Một, Chợ Đình… (TP.Thủ Dầu Một) cho thấy các gian hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, phụ kiện, mặc dù tiểu thương vẫn cập nhật mẫu mã mới và giá cả hợp lý nhưng vẫn trong tình trạng vắng khách. Bà Nguyễn Vũ Nhã Trúc, tiểu thương bán hàng quần áo ở chợ Thủ Dầu Một, cho biết trước đây chợ luôn nhộn nhịp người mua kẻ bán tạo nên không khí mua bán sôi động, nhưng hiện nay khách đến chợ ít hẳn. Nguyên nhân do xu hướng mua sắm tiêu dùng thay đổi quá nhanh, người dân dần ưa chuộng mua sắm thương mại điện tử, trên các nền tảng mạng xã hội vì hình thức này hàng giao nhanh, giao hàng tận nơi, chủng loại đa dạng, đủ loại mức giá… Hiện nay, tại các chợ truyền thống, chỉ có mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn khá đông khách đến mua sắm.
Một khó khăn nữa đối với chợ truyền thống là đa số tiểu thương tuổi đời khá cao, khi chúng tôi đề cập đến vấn đề tìm hiểu để kết hợp với thương mại điện tử thì nhiều người cho biết họ không quen bán hàng online, quảng cáo sản phẩm...
Thực tế cho thấy, thương mại truyền thống và thương mại điện tử có những điểm khác biệt rõ rệt. Đối với thương mại truyền thống, khách hàng tương tác trực tiếp với sản phẩm, kiểm tra chất lượng, nhưng loại hình này có chi phí cao hơn do phải thuê mặt bằng và nhân viên bán hàng. Còn thương mại điện tử có chi phí hoạt động thấp hơn, có thể hoạt động 24/7, nhưng khách hàng không thể trải nghiệm sản phẩm trực tiếp. Để duy trì hoạt động, thương mại truyền thống cần thay đổi, điển hình là số hóa hoạt động và chuyển sang mô hình kết hợp giữa bán hàng trực tuyến và trực tiếp.
Kịp thời thay đổi để phát triển
Chị Phan Bích Thảo, chủ cửa hàng quần áo, mỹ phẩm tại phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, cho hay để cửa hàng tồn tại chị sớm làm quen với thương mại điện tử, đăng bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, tận dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, website để tiếp cận và mở rộng khách hàng. Nhờ đó, thời gian gần đây doanh số cửa hàng của chị được cải thiện và duy trì hoạt động ổn định.
Hiện nay, tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp thương mại đã xây dựng website và tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh như https:// binhduongtrade.vn/, các loại hình thương mại điện tử như B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), B2C (doanh nghiệp với khách hàng). Có thể thấy, sự kết hợp giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hiện đại sẽ tạo ra môi trường kinh doanh đa dạng, hệ sinh thái kinh doanh linh hoạt đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Để đón đầu xu hướng phát triển thương mại điện tử, Bình Dương đang tập trung đầu tư vào hạ tầng số và khuyến khích các ngân hàng kết nối hệ thống thanh toán điện tử. Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các chợ áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới chuyển đổi số toàn diện; trên 80% doanh nghiệp và 60% hộ kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử. Sàn thương mại điện tử của tỉnh sẽ được nâng cấp để thực hiện các giao dịch xuyên biên giới, thúc đẩy xuất khẩu và giao lưu thương mại quốc tế.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong thời gian tới ngành công thương sẽ triển khai một loạt giải pháp nhằm phát triển và hiện đại hóa hệ thống chợ. Cụ thể, công tác quy hoạch phát triển chợ sẽ được đẩy mạnh với việc khuyến khích xã hội hóa đầu tư, tập trung nâng cấp các chợ truyền thống thành mô hình hiện đại với đầy đủ dịch vụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, ngành công thương sẽ hỗ trợ đào tạo kỹ năng thương mại số cho tiểu thương; hướng dẫn xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại, chợ 4.0 và hỗ trợ tiểu thương mở rộng kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Ngành công thương cũng khuyến khích phát triển chợ du lịch, như chợ đêm, chợ cộng đồng…
Theo quy hoạch, đến năm 2030 Bình Dương có 114 chợ, 46 siêu thị, 41 tr ung tâm thương mại. Với định hướng kết hợp thương mại truyền thống và thương mại điện tử, Bình Dương đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai chuyển đổi số chợ truyền thống.
TUẤN ANH