Giải pháp cho vay ngang hàng (P2P lending)
Theo Nghị định 94, giải pháp cho vay ngang hàng là giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin do công ty cho vay ngang hàng cung cấp để kết nối thông tin, hỗ trợ giao kết hợp đồng trên nền tảng số giữa khách hàng là bên cho vay và bên đi vay.
Như vậy, có ba đối tượng liên quan bao gồm: công ty cho vay ngang hàng, bên cho vay và bên đi vay. Theo đó, công ty cho vay ngang hàng là công ty công nghệ tài chính (Fintech) cung cấp giải pháp cho vay ngang hàng cho khách hàng của công ty là bên cho vay và bên đi vay. Bên cho vay bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (ngân hàng), pháp nhân khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (ngoại trừ các công ty cầm đồ) và cá nhân có quốc tịch Việt Nam. Bên đi vay bao gồm pháp nhân (không bao gồm ngân hàng) được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và cá nhân có quốc tịch Việt Nam.
Về cơ bản, đối với giải pháp cho vay ngang hàng, công ty cho vay ngang hàng cung cấp nền tảng số (hay còn gọi là digital platform) để kết nối và hỗ trợ các giao dịch vay vốn giữa hai chủ thể độc lập: bên cho vay và bên đi vay.
Theo Nghị định 94, ngân hàng, với tư cách bên cho vay, có thể sử dụng giải pháp do công ty cho vay ngang hàng cung cấp. Điều này giúp các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng chưa có nhiều kinh nghiệm trong cho vay trực tuyến, có thêm kênh để tiếp cận các bên đi vay bao gồm cả pháp nhân (ngoại trừ ngân hàng) và cá nhân.
Một số lưu ý
Thứ nhất, Nghị định 94 và các quy định hiện hành về hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng chưa có quy định chi tiết về hoạt động cho vay của ngân hàng thông qua giải pháp cho vay ngang hàng. Điều này có nghĩa là tất cả các quy định của pháp luật hiện hành đối với hoạt động cho vay truyền thống của ngân hàng vẫn được áp dụng đầy đủ, không có sự nới lỏng hay giảm bớt khi ngân hàng cho vay qua giải pháp cho vay ngang hàng.
Theo đó, các ngân hàng cần đặc biệt lưu ý và tuân thủ chặt chẽ các quy định, như phải đảm bảo xác minh danh tính khách hàng đi vay theo đúng quy định hiện hành (KYC); quy trình đánh giá khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn của bên đi vay phải được thực hiện đầy đủ, không khác gì một khoản vay thông thường; ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng theo đúng mục đích đã thỏa thuận; tất cả các giới hạn về cấp tín dụng, giới hạn cho vay đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng liên quan, giới hạn về tỷ lệ an toàn vốn, quản lý rủi ro tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước vẫn phải được áp dụng tuyệt đối.
Thứ hai, bên cạnh các quy định chung, Nghị định 94 còn đặt ra một số yêu cầu và giới hạn cụ thể mà ngân hàng cần lưu ý. Chẳng hạn, bên đi vay chỉ có thể là pháp nhân (không bao gồm ngân hàng) được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và cá nhân có quốc tịch Việt Nam.
P2P lending là một bước tiến quan trọng, mở ra cánh cửa cho sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định dư nợ tối đa đối với một bên đi vay tại một và toàn bộ các giải pháp cho vay ngang hàng tham gia cơ chế thử nghiệm. Mặc dù trách nhiệm kiểm soát dư nợ tối đa thuộc về công ty cho vay ngang hàng và bên đi vay là chính, nhưng ngân hàng cũng cần lưu ý về vấn đề này để chủ động trong việc ra quyết định cho vay.
Hợp đồng vay được giao kết trên nền tảng số tham gia cơ chế thử nghiệm không được vượt quá 2 năm. Đây là một giới hạn quan trọng về kỳ hạn của các khoản vay mà ngân hàng cần lưu ý khi xây dựng sản phẩm cho vay qua kênh này.
Bên cạnh đó, Nghị định 94 yêu cầu bên cho vay đảm bảo nguồn tiền để cho vay hợp pháp và không được đi vay để cho vay lại. Đây là một điểm khá nhạy cảm đối với ngân hàng, đòi hỏi ngân hàng phải tính toán, sắp xếp nguồn vốn cho vay qua giải pháp cho vay ngang hàng để đảm bảo không vi phạm quy định này. Vấn đề này cần được ngân hàng xử lý thận trọng khi mà về bản chất, hoạt động ngân hàng chính là đi vay để cho vay lại.
Thứ ba, theo Nghị định 94, hợp đồng giao kết giữa bên cho vay và bên đi vay, giữa công ty cho vay ngang hàng và khách hàng, các bên có liên quan phải tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật có liên quan. Do tính phổ quát của hoạt động cho vay thông qua nền tảng số, các sai sót trong hợp đồng có thể gây các tổn thất nghiêm trọng. Trường hợp hợp đồng có điều khoản không rõ ràng, ngân hàng có thể phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Vì vậy, ngân hàng cần hết sức lưu ý xem xét kỹ lưỡng các điều khoản của hợp đồng.
Thứ tư, Nghị định 94 yêu cầu khách hàng sử dụng giải pháp cho vay ngang hàng phải có trách nhiệm nhận thức về các rủi ro phát sinh khi đồng ý sử dụng giải pháp Fintech đang trong quá trình thử nghiệm và tự chịu trách nhiệm về các rủi ro, tổn thất phát sinh có thể xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Đối với ngân hàng, đây là một lời nhắc nhở quan trọng về việc phải tự đánh giá và chấp nhận rủi ro khi tham gia cơ chế thử nghiệm này.
Thứ năm, hoạt động cho vay của ngân hàng có sự tham gia gián tiếp của một bên thứ ba là công ty Fintech. Do đó, ngân hàng cần đặc biệt lưu ý đến các quy định về bảo mật thông tin khách hàng. Việc chia sẻ và xử lý dữ liệu khách hàng giữa ngân hàng và công ty Fintech phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Các tổ chức tín dụng, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định chuyên ngành khác.
Các lợi ích của giải pháp cho vay ngang hàng
Mặc dù có nhiều thách thức và rủi ro cần quản lý, giải pháp cho vay ngang hàng trong cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hứa hẹn mang lại một số lợi ích đáng kể cho ngân hàng và xã hội.
Cụ thể, giải pháp cho vay ngang hàng tạo thêm một kênh kết nối đáng tin cậy giữa các cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay vốn và ngân hàng. Điều này giúp ngân hàng tiếp cận được phân khúc khách hàng mới, đặc biệt là những khách hàng khó tiếp cận các kênh tín dụng truyền thống do nhu cầu vay nhỏ lẻ. Chưa kể, thông qua nền tảng công nghệ, việc kết nối người cho vay và người đi vay trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn, góp phần tối ưu hóa việc phân bổ dòng vốn trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khi dòng vốn vay được chảy thuận tiện qua các kênh chính thống và minh bạch như nền tảng số (dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước), các hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo và các hình thức tín dụng đen khác sẽ được giảm thiểu.
Hơn nữa, thông qua giải pháp này, ngân hàng có thể thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ hiện đại mà không gặp phải rào cản pháp lý quá lớn ban đầu, từ đó thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong toàn ngành.
Có thể nói, giải pháp cho vay ngang hàng dưới cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là một bước tiến quan trọng, mở ra cánh cửa cho sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, như đã phân tích, ngân hàng vẫn đang đối mặt với một số khoảng trống pháp lý và rủi ro tiềm tàng. Việc thiếu các quy định chi tiết về hoạt động cho vay của ngân hàng thông qua giải pháp cho vay ngang hàng đòi hỏi ngân hàng phải áp dụng một cách thận trọng và tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về cấp tín dụng, đồng thời chú ý đến các giới hạn riêng của Nghị định 94.
Do đó, để ngân hàng triển khai hoạt động cho vay thông qua giải pháp cho vay ngang hàng một cách hiệu quả và an toàn, có thể cần có thêm các quy định hướng dẫn chi tiết hơn từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền khác. Sự rõ ràng trong khung pháp lý sẽ là yếu tố then chốt giúp ngân hàng tự tin hơn trong việc khai thác tiềm năng của cho vay thông qua giải pháp cho vay ngang hàng, góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ sinh thái Fintech Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Phúc - Phan Thị Chu Uyên / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025