Là đô thị sầm uất bậc nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với một vấn đề nhức nhối kéo dài nhiều thập niên, đó là hàng vạn ngôi nhà ven kênh. Hàng chục ngàn hộ dân sống trong điều kiện ô nhiễm, bất an, và thiếu thốn tiện nghi cơ bản. Dù đã có nhiều nỗ lực từ chính quyền, nhưng bài toán di dời và tái định cư vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố còn 398 dự án/tuyến sông, kênh, rạch chưa triển khai thuộc 16 quận, huyện và thành phố Thủ Đức với tổng quy mô di dời khoảng 39.600 căn. Tập trung nhiều nhất ở các quận 7, 8, Bình Tân, và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Cần Giờ. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ di dời toàn bộ các hộ dân này, cải thiện vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, và khai thác quỹ đất hai bên kênh rạch để phát triển kinh tế.
32 năm trước, năm 1993, TP Hồ Chí Minh đã khởi động kế hoạch di dời nhà ven kênh, với tuyến đầu tiên là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đã có 44.338 căn nhà được giải tỏa, diện mạo đô thị hai bên kênh trở nên khang trang hơn. Tuy nhiên, chương trình di dời trong 10 năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn, chủ yếu về nguồn vốn và bồi thường, tái định cư. Điển hình là dự án cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) được lên kế hoạch từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Để giải quyết vấn đề này, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã đề xuất chi hơn 221.000 tỉ đồng để di dời gần 40.000 căn nhà ven kênh. Trong đó, 130.680 tỉ đồng dành cho chi phí bồi thường, gần 10.700 tỉ đồng xây dựng nhà ở xã hội cho các trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, và 80.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng, nạo vét, cải tạo kênh rạch. Sau khi thực hiện đề án, Nhà nước có thể thu lại hơn 164.100 tỉ đồng từ việc khai thác quỹ đất làm dự án nhà ở, thương mại dịch vụ hai bên kênh rạch.
Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực và triển khai các dự án không hề đơn giản. Sở Xây dựng đã xác định 18 vị trí khả thi để mở rộng biên phục vụ chỉnh trang đô thị và khai thác dự án thương mại. Một số dự án lớn gồm rạch Ông Lớn, rạch Bần Đôn, rạch Song Tân (quận 7), bờ nam kênh Đôi, rạch Xóm Củi, khu vực chung cư Phạm Thế Hiển (quận 8)...
Lộ trình thực hiện đề án cũng được vạch ra rõ ràng. Từ năm 2025 - 2026, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn chỉnh, phê duyệt đề án, điều chỉnh quy hoạch, chuẩn bị thủ tục đầu tư. Từ năm 2026, bắt đầu khởi công nhà tái định cư, nhà ở xã hội; thực hiện thủ tục thu hồi đất các dự án hoàn chỉnh pháp lý. Từ năm 2028, bồi thường các dự án còn lại, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông và thực hiện thủ tục pháp lý khai thác quỹ đất hai bên. Đến năm 2030, cơ bản hoàn thành bồi thường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quỹ đất.
Tất nhiên, việc di dời nhà ven kênh tại các quận, huyện đối diện những thuận lợi và khó khăn khác nhau trong đó nổi cộm là mức kinh phí bồi thường, hỗ trợ mà người dân để đảm bảo chính sách an cư. Do đó, để hoàn thành các dự án này, cần có những chính sách đột phá.
Trong bối cảnh ngân sách còn phải thực hiện cho nhiều mục tiêu, chương trình di dời nhà ven kênh cần có thứ tự ưu tiên, tập trung và dứt điểm từng quận theo khả năng cân đối vốn. TP Hồ Chí Minh cần có những chính sách linh hoạt và sáng tạo để giải quyết bài toán nan giải này, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng chục ngàn hộ dân, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế bền vững. Chỉ khi đó, TP Hồ Chí Minh mới có thể thực sự thay "áo mới" cho các khu vực ven kênh rạch, mang lại môi trường sống trong lành và phát triển bền vững cho thành phố.
Thành Nam