Chọn chủ tịch tỉnh khi sáp nhập: Tránh những người 'nhăm nhăm làm vua một vùng'

Chọn chủ tịch tỉnh khi sáp nhập: Tránh những người 'nhăm nhăm làm vua một vùng'
8 giờ trướcBài gốc
Sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở), dự kiến cả nước còn 34 tỉnh, thành và khoảng 5.000 xã.
Tỉnh mới sẽ rộng lớn hơn và được phân cấp, phân quyền mạnh hơn để tạo không gian phát triển với tầm nhìn chiến lược trăm năm. Do đó, việc lựa chọn chủ tịch tỉnh như thế nào để đủ sức gánh vác trọng trách là một bài toán đặt ra.
3 phẩm chất không thể thiếu
Trao đổi với VietNamNet, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng, mục đích của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy là để phục vụ nhân dân theo tinh thần đổi mới.
Vì vậy, điều đầu tiên, theo ông Kim kỳ vọng, là bộ máy mới phải sửa đổi lề lối làm việc. Nói nôm na là phải phục vụ nhân dân chu đáo, tận tâm, không gây phiền hà cho dân, không để dân phải chờ đợi, phải “bôi trơn”…
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim. Ảnh: QH
"Và để điều hành bộ máy đó, các chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải là người có tâm, có tầm, có bản lĩnh. Đó là 3 phẩm chất không thể thiếu", đại biểu Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Ngoài ra, chủ tịch tỉnh cũng phải là người đáp ứng được 2 yếu tố: Dân chủ và tuân theo pháp luật - việc có lợi cho dân phải kiên quyết làm, việc trái pháp luật phải tuyệt đối cấm.
HĐND bầu chủ tịch UBND theo giới thiệu của chủ tịch HĐND; bầu phó chủ tịch, ủy viên UBND theo giới thiệu của chủ tịch UBND. Chủ tịch UBND không nhất thiết là đại biểu HĐND. Kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh phải được Thủ tướng phê chuẩn. Điều 34 Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Người đứng đầu chính quyền tỉnh, thành không những phải hướng tới lợi ích chung mà còn biết hướng tới lợi ích của đội ngũ cán bộ, bộ máy của mình để có sự kết nối với tính chủ động, sáng tạo, tiến bộ, cao hơn hết là danh dự và nêu gương.
“Vị trí chủ tịch tỉnh, thành phố phải là những người được nhân dân, chính quyền, Đảng bộ giới thiệu, sau đó các nhân sự sẽ được đánh giá, tuyển chọn”, ông Kim nói.
Ông cũng gợi mở cần một bài thi tuyển yêu cầu người ứng tuyển phải trình bày những hiểu biết của mình về địa phương: Biết địa phương có gì, không có gì, sắp tới cần làm gì… Lý tưởng nhất là ứng viên trình bày những đề xuất, giải pháp, ý tưởng của mình và được chất vấn trước hội đồng tuyển dụng.
“Tuyệt đối không đem công việc của nhân dân ra làm thí nghiệm. Khi ‘vào vai’ là anh phải thuộc bài. Thời gian không chờ đợi ai. Muốn vậy, người lãnh đạo phải ra quyết định chính xác, khoa học và hiệu quả cao", ông Kim nêu quan điểm.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, ai làm tốt sẽ được bố trí
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất cơ chế "ai sai thì phải sửa ngay" và người nào nhận chức 6 tháng không làm được thì phải có cơ chế để cho người khác làm, không để kéo dài. Việc quản lý, điều hành của chủ tịch tỉnh phải có sự giám sát của cấp trên và sự theo dõi của nhân dân.
“Khi tỉnh, thành rộng lớn hơn, chúng ta có ‘chiếc áo" mới rộng hơn. Ai ‘mặc’ vào là phải tự tin, phải hãnh diện, phải vươn vai ưỡn ngực xông tới. Đó là bản lĩnh cần có của người đứng đầu”, đại biểu ví von.
Vấn đề dư luận đang tranh cãi, đó là việc chọn trung tâm hành chính ở đâu, lấy tên tỉnh nào làm tên chung sau khi sáp nhập, chọn lãnh đạo là người ở đâu… Địa phương nào cũng vì nhân dân cả, nói rộng ra là vì Tổ quốc, vì dân tộc. Đừng so sánh tỉnh giàu, tỉnh nghèo, tỉnh có truyền thống lớn hay truyền thống nhỏ. Chúng ta phải thoát ra được cái tính cục bộ và loại ra khỏi tư tưởng tinh thần bản vị như thế thì mới vì nước, vì dân được. Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim
Ông chia sẻ trải nghiệm của bản thân: “Tôi từng nghe có người nói rằng tỉnh này hết người làm bí thư, chủ tịch rồi hay sao mà đưa người tỉnh khác về. Tôi đã nói rằng, ‘trước đây trong kháng chiến, bao nhiêu người con ưu tú của mấy chục tỉnh thành về tỉnh mình chiến đấu, hi sinh. Bây giờ hàng vạn người vẫn đang nằm lại trên nghĩa trang của tỉnh. Ngày đó có ai phân biệt tỉnh này, tỉnh kia không mà bây giờ hòa bình các anh lại phân biệt tỉnh này tỉnh kia’”.
Về việc chọn ai, bỏ ai, theo ông Kim, người giỏi khắc “hữu xạ tự nhiên hương”, ai làm tốt thì sẽ được bố trí, nếu không sử dụng vào việc này sẽ sử dụng vào việc khác. Nếu đã là người tài năng, đức độ thì không lo mất phần.
Quan trọng nhất, người lãnh đạo phải biết hy sinh, đặt việc nước lên trên việc nhà. Ông Kim cũng đề xuất mức chế độ, đãi ngộ cho chủ tịch tỉnh cao hơn hiện nay để người lãnh đạo yên tâm làm việc, tránh tham nhũng. Tinh thần là tránh chọn những người “nhăm nhăm làm vua một vùng”.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, sau sắp xếp, dự kiến cả nước có 11 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh được giữ nguyên, 52 ĐVHC cấp tỉnh thuộc diện phải sáp nhập.
Dự thảo cũng quy định, số cán bộ, công chức, viên chức của ĐVHC cấp tỉnh và xã mới sau sắp xếp không vượt quá tổng số có mặt tại các ĐVHC cấp tỉnh, xã trước sắp xếp.
Tuy nhiên, con số này sẽ phải giảm dần trong thời hạn 5 năm sau khi sắp xếp, tính theo ngày hiệu lực của nghị quyết này.
Ngoài ra, những cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng được bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp trong 6 tháng kể từ thời điểm sắp xếp. Sau thời hạn này sẽ thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ theo vị trí việc làm mới phù hợp với quy định.
Nguyễn Thảo
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chon-chu-tich-tinh-khi-sap-nhap-tranh-nhung-nguoi-nham-nham-lam-vua-mot-vung-2388090.html