Rác thải đổ thải bừa bãi vẫn còn hiện hữu ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chiều 12/12, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hồ Kiên Trung cho biết hiện mỗi ngày trên toàn quốc phát sinh khoảng 67.110 tấn chất chất thải rắn sinh hoạt, thế nhưng khoảng 65% tổng lượng chất thải lại đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.
Với thực trạng quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt như hiện nay, theo ông Hồ Kiên Trung, mỗi ngày Việt Nam đang để mất đi nguồn thu rất lớn về tiền và lợi ích xã hội, môi trường. Lý do bởi chất thải rắn sinh hoạt nếu phân loại, tái chế, tái sử dụng sẽ không chỉ giảm chi phí đầu tư xử lý, mà còn mang lại nguồn thu thông qua việc đốt rác phát điện, sản xuất phân bón, thu lại nguồn nguyên liệu có giá trị cho nền kinh tế.
Lãng phí tài nguyên, tổn thất tài chính
Phân tích tại Diễn đàn Công đoàn lao động vì môi trường năm 2024, chiều nay, ông Hồ Kiên Trung cho hay với tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày, nếu chỉ lấy một số khiêm tốn chi phí để thu gom, vận chuyển và xử lý cho 1 tấn chất thải rắn sinh hoạt là 50 USD thì 1 ngày trung bình cả nước phải chi khoảng 3,35 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý cho toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (tương đương khoảng 1.222,75 triệu USD/1 năm). Đây là con số không hề nhỏ với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê, tỷ trọng các loại chất thải trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam như chất thải thực phẩm dao động từ 50-70% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (chiếm tỷ trọng cao nhất). Chất thải này nếu được phân loại ngay từ hộ gia đình, cá nhân thì có thể biến thành phân compost chất lượng cao hoặc tạo thành điện sinh khối với giá trị thu được vô cùng lớn.
Hay như chất thải có khả năng tái chế (như chai nhựa, vỏ các loại lon nước ngọt, bia...) dao động từ 20-25% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Đây là nguồn nguyên liệu giá trị cao phục vụ làm nguyên liệu sản xuất. Tiếp đó là các loại chất thải rắn sinh hoạt khác như túi nilon sử dụng một lần, vỏ kẹo, hộp xốp, mảnh gỗ... Theo ông Trung, những chất thải này nếu được sơ chế, tạo viên nén nhiên liệu để làm chất đốt cho một số ngành công nghiệp hoặc đốt phát điện cũng tạo ra giá trị.
Như vậy, gần như toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh đều có thể tái chế, tái sử dụng hoặc tạo thành năng lượng và tạo ra giá trị từ chất thải. Tuy nhiên, khoảng 65% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp; khoảng 16% tổng lượng chất thải hiện được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 19% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác như tái chế, khí hóa, làm viên nén nhiên liệu.
“Với thực trạng quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam như hiện nay, có thể thấy mỗi ngày chúng ta đang làm mất đi những giá trị về tiền và lợi ích xã hội, môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt,” ông Hồ Kiên Trung nhấn mạnh và cho rằng đây là thực trạng gây lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên, nguyên liệu của nền kinh tế.
Nhìn nhận thực tế tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Giám đốc Chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm, cũng nêu thực trạng với đặc thù quận Hoàn Kiếm đông khách du lịch, khách vãng lai, nhà hàng, quán ăn mở bán vào nhiều thời điểm khác nhau nên khối lượng rác phát sinh hàng ngày rất nhiều.
Bên cạnh đó một bộ phận hộ dân, hộ kinh doanh còn chưa thực hiện đúng việc vứt đổ rác. “Vẫn còn hiện tượng người dân bỏ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định (đặc biệt là khu vực phố cổ, nơi tập trung nhiều khách du lịch, hàng quán vào các khung giờ từ 10 giờ đến 13 giờ và từ 17 giờ đến đêm muộn),” bà Hằng nói và nhấn mạnh tình trạng này đã gây tồn đọng rác trong các dải cây, các tuyến đường phố.
Đẩy mạnh việc phân loại rác thải từ năm 2025
Trước thực trạng trên, đại diện lãnh đạo Chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm đề nghị ủy ban nhân dân các phường trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân thực hiện đúng phương án thu gom rác đã thống nhất với Urenco (bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định); các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt đối với các đối tượng bỏ rác sai giờ, sai nơi quy định.
Ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: HV/Vietnam+)
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm nhấn mạnh sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải. Mối quan hệ giữa quản lý chất thải và nền kinh tế tuần hoàn cũng lần đầu tiên được thể hiện mạnh mẽ qua quan điểm coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất.
Theo đó, chất thải được đặt trong mối tương quan chặt chẽ với sự phát triển của một nền kinh tế tuần hoàn và khép kín; các sản phẩm, hàng hóa, thức ăn,… sau khi được thải bỏ giờ đây sẽ không kết thúc vòng đời ở bãi chôn lấp hay lò đốt tiêu hủy.
“Bằng cách thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải đúng cách, chúng ta có thể biến những gì từng là chất thải, phải tốn kém tiền của để xử lý thành tài nguyên quý giá, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời sản phẩm. Nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam,” ông Trung nói.
Tuy vậy, ông Trung cũng lưu ý để biến chất thải thành tài nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân rộng khắp, thường xuyên, lâu dài về công tác bảo vệ môi trường, phân loại chất thải sinh hoạt; mong muốn tiếp tục phối hợp cùng cán bộ, công nhân, người lao động môi trường trong công tác thu gom, phân loại, tái chế, triệt để chất thải.
“Chúng tôi cũng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, bố trí hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo để thực hiện quy định phân loại, thu gom, tái chế, triệt để chất thải từ đầu năm 2025,” ông Trung nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, trong thời gian tới chính quyền các địa phương cần căn cứ vào đặc tính, thành phần của chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn cũng như hạ tầng kỹ thuật hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; hệ thống cơ sở tiếp nhận chất thải rắn sau phân loại tái sử dụng, tái chế,… để quy định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ cá nhân, hộ gia đình.
Đối với công nhân thu gom, vận chuyển rác thải (những “chiến binh xanh”), ông Trung cho rằng đây là lực lượng quan trọng và là yếu tố quyết định thành công trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Lý do bởi ngoài các nhiệm vụ được giao, các “chiến binh xanh” sẽ vừa thực hiện công tác thu gom vừa thực hiện hướng dẫn người dân, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại, đồng thời cũng thực hiện việc giám sát người dân việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
“Ngoài ra, nếu chúng ta có những cơ chế, chính sách phù hợp sẽ đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả việc phân loại của các ‘chiến binh xanh’ trong quá trình thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương,” ông Trung nhấn mạnh./.
(Vietnam+)