Chọn trung tâm hành chính và tên gọi tỉnh mới sau sáp nhập theo tiêu chí nào?

Chọn trung tâm hành chính và tên gọi tỉnh mới sau sáp nhập theo tiêu chí nào?
20 giờ trướcBài gốc
Chọn tên gọi nào sau sáp nhập?
Bộ Nội vụ và các cơ quan đang khẩn trương tham mưu xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp, sáp nhập một số tỉnh, thành phố; sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã.
Theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả nước sẽ sáp nhập tỉnh để giảm khoảng 50% tỉnh, thành phố; bỏ cấp huyện và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, giảm 60%-70%.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam ủng hộ chủ trương này. Ông cho rằng, việc sáp nhập lần này khác hẳn những lần sáp nhập trước đây.
"Tiền đề cho sự sáp nhập này, thứ nhất là điều kiện đất nước đã thay đổi từ kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ đến điều kiện quản lý hành chính. Thứ hai là quan hệ quốc tế của Việt Nam cũng đã thay đổi…
Chúng ta cần sáp nhập lại để có một đơn vị hành chính đủ lớn về mặt dân số, diện tích, từ đó có điều kiện thúc đẩy phát triển thì đây là chuyện được Bộ Chính trị và Ban Bí thư nghiên cứu kỹ. Vấn đề bây giờ là làm như thế nào cho hiệu quả", KTS Trần Ngọc Chính nói.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.
Ông Chính chỉ rõ Việt Nam là quốc gia biển với 28 tỉnh thành có biển, cùng nhiều vùng núi rừng, đồng bằng. Vậy cần sáp nhập sao cho tỉnh thành sau sắp xếp phải có biển, trừ các tỉnh quá sâu trong đất liền. Điều này mở ra không gian phát triển mới, tạo sự tự chủ trong hoạt động xuất nhập khẩu qua đường biển cho các địa phương.
Theo ông với nguyên tắc này, Hải Phòng có thể kết hợp với Hải Dương, Hưng Yên với Thái Bình để hình thành các tỉnh mới có bờ biển. Hoặc các tỉnh miền núi như Kon Tum sáp nhập với Quảng Ngãi, Gia Lai với Bình Định, Lâm Đồng với Bình Thuận sẽ giúp các tỉnh Tây Nguyên từ trước đến nay chỉ có núi rừng vươn được ra biển. Hàng loạt tỉnh trước đây không có "lợi thế biển" nay được kết nối với biển sẽ tạo nên sức mạnh mới, đánh thức tiềm năng vốn có của vùng miền.
Thực tế sau nhiều lần sáp nhập, chia tách tỉnh cho thấy, các tiêu chí lựa chọn tên gọi hay trung tâm hành chính mới cần phải được tính toán kỹ lưỡng, thận trọng. KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, việc lựa chọn tên gọi của một tỉnh để đặt cho tỉnh mới sáp nhập phải giúp giữ lại tên có giá trị, thương hiệu trong nước và quốc tế, đồng thời, giảm bớt việc phải thay đổi giấy tờ, thủ tục hành chính sau này bởi một phần người dân sẽ không phải thay đổi giấy tờ theo tên mới.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, tên gọi của các địa phương mang rất nhiều ý nghĩa về giá trị, lịch sử, văn hóa và truyền thống, nhưng cũng cần gắn với hiện tại và cân nhắc nhu cầu phát triển chung. Mặt khác, không nên chọn phương án ghép tên các địa phương sáp nhập vì không phải tên gọi nào cũng hợp lý.
"Tên địa phương nào cũng đều có ý nghĩa lớn và quan trọng như nhau, nhưng khi sáp nhập lại, cần chọn tên mang giá trị, thương hiệu trong nước và quốc tế. Ví dụ, tới đây nếu sáp nhập Cà Mau và Bạc Liêu, theo tôi nên giữ tên Cà Mau vì địa danh này gắn liền với cực Nam của Tổ quốc", ông Chính nêu ý kiến.
Sáp nhập tỉnh, thành để tạo dư địa phát triển rộng lớn cho các địa phương.
Cũng theo ông Chính, với tâm lý tự nhiên, khi sáp nhập tỉnh thành mới, buộc phải thay đổi và mất đi tên gọi địa phương từng quen thuộc, đa phần người dân ở địa phương sẽ tâm tư. Do vậy, sẽ cần sự hy sinh để phục vụ cho phát triển chung của đất nước.
"Như trước đây khi Hà Tây nhập vào Hà Nội, đã có rất nhiều ý kiến phản bác việc bỏ tên Hà Tây. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Tây là tỉnh lớn có nền văn hóa xứ Đoài, đóng góp không nhỏ về thương mại, dịch vụ. Song, sau một thời gian sáp nhập và lấy tên gọi chung là Hà Nội, đời sống người dân thay đổi, không gian mở rộng, bản thân người dân cảm nhận được sự đổi mới, phát triển, dần dà sẽ thấu hiểu", ông Chính nói.
Tiêu chí quan trọng nhất chọn trung tâm hành chính
Thực hiện sáp nhập 2-3 tỉnh, việc lựa chọn trung tâm hành chính mới cũng là vấn đề được dư luận quan tâm, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức.
"Song song với việc sáp nhập tỉnh, nước ta sẽ chính thức bỏ cấp quận/ huyện. Đây cũng là vấn đề rất lớn mà những ngày này, cá nhân tôi và Hội Quy hoạch đang bàn luận rất sôi nổi. Hệ thống đô thị Việt Nam sẽ ra sao sau khi bỏ cấp quận/ huyện. Và khi đã bỏ đi như vậy thì phải tính toán, sáp nhập làm sao cho phù hợp. Chúng ta phải tính đến cả bài toán đó", KTS Trần Ngọc Chính nói.
Về dân số, diện tích… thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lưu ý rồi. Nhưng chúng ta còn phải xét theo điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Cả nước có 6 vùng kinh tế là: Trung du vùng núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam bộ và Tây Nam bộ…. Phải dựa trên cơ sở kinh tế, an ninh quốc phòng và những vấn đề về văn hóa, lịch sử… để sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh cho phù hợp.
Khi sáp nhập tạo tỉnh mới thì nên đặt trung tâm hành chính nằm ở đâu. Ví dụ, ngày xưa Hà Nam Ninh là Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định chung một tỉnh thì trung tâm nằm ở Nam Định. Hay Hà Bắc gồm Bắc Ninh với Bắc Giang thì Bắc Giang là Thủ phủ. Vì thời đó, Bắc Giang phát triển hơn. Nhưng sau khi tách ra thì Bắc Ninh lại phát triển rất mạnh.
"Như vậy, trung tâm hành chính mới có thể đặt ở đô thị phát triển nhất trong số các tỉnh nhập lại với nhau. Nhưng liệu như vậy đã đủ chưa? Các tỉnh tới đây có suy tính thế nào về việc chọn trung tâm hành chính mới, liệu có nên lựa chọn đô thị phát triển nhất làm Thủ phủ hay không? Chuyện đó phải đặt ra ngay từ bây giờ chứ không thể cứ sáp nhập mà chưa biết trung tâm nằm ở đâu. Theo tôi biết, các cấp lãnh đạo cũng đã đặt ra vấn đề này rồi", KTS Trần Ngọc Chính nói.
KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, đặt trung tâm hành chính mới tại đô thị phát triển và hiện đại nhất trong số các tỉnh nhập lại là một trong những tiêu chí để cân nhắc. Đến nay, rất nhiều tỉnh phát triển các trung tâm hành chính hiện đại, do đó, việc chọn những trung tâm hành chính sẵn có đó sẽ giúp giảm bớt lãng phí.
Ngoài ra, phải tính đến vị trí địa lý, lựa chọn địa điểm gần đường cao tốc, sân bay, bến cảng… bởi trung tâm hành chính không chỉ phục vụ riêng người dân trong tỉnh, mà còn phục vụ các hoạt động đối ngoại. Hay lựa chọn vị trí trung tâm của các tỉnh được sáp nhập lại.
Theo đó, có một số tiêu chí cần chú ý, thứ nhất là lựa chọn địa điểm đặt trung tâm hành chính tốt, hiện đại, có điều kiện phát triển. Thứ hai là tiêu chí thuận tiện đi lại với quốc tế và trong nước. Thứ ba là thuận tiện đi lại cho người trong địa phương và cán bộ công chức trong tỉnh. Ngoài ra còn cần lưu ý yếu tố an ninh, quốc phòng…
Tuy nhiên thực tế không phải địa phương nào cũng có điều kiện để chọn trung tâm hành chính hội tụ đủ các tiêu chí lý tưởng nêu trên, do vậy, sẽ cần tiêu chí quan trọng nhất.
"Quan trọng nhất là chọn nơi đã có trung tâm hành chính hiện đại, tốt nhất, là đô thị đang phát triển, đủ điều kiện kinh tế, hệ thống kỹ thuật và xã hội để phục vụ tốt cho trung tâm hành chính mới. Khi sáp nhập 2-3 tỉnh, thì cần chọn tỉnh lị ở nơi mà cán bộ công chức của 3 tỉnh có thể đi lại, làm việc thuận tiện. Nếu đặt trung tâm hành chính lệch về một tỉnh nào đó sẽ gây khó khăn cho việc đi lại. Còn nếu đặt ở vị trí trung tâm của ba tỉnh thì rõ ràng, cán bộ công chức thuận tiện hơn", ông Chính nói.
Đặc biệt, trong bối cảnh "vừa chạy vừa xếp hàng", để sắp xếp lại địa giới hành chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho rằng, tiêu chí này càng quan trọng hơn vì nếu chọn ở khu vực chưa có trung tâm hành chính có sẵn thì cần phải mất nhiều năm xây dựng và hoàn thiện, dẫn đến lãng phí cả về thời gian, nguồn lực.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/chon-trung-tam-hanh-chinh-va-ten-goi-tinh-moi-sau-sap-nhap-theo-tieu-chi-nao-169250403160510323.htm