Chống lãng phí cần đặt lên hàng đầu

Chống lãng phí cần đặt lên hàng đầu
7 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q. Vinh
Theo ông Nguyễn Văn Thân, việc Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trong năm nay và hướng tới mức hai con số trong giai đoạn 2026–2030 là một mục tiêu đầy kỳ vọng, song cũng đặt ra yêu cầu hết sức lớn lao đối với cả hệ thống chính trị, từ Đảng, Nhà nước đến đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trên toàn quốc.
Đây là bài toán phát triển không thể chỉ giải bằng các chỉ tiêu kinh tế đơn thuần, mà cần nhìn nhận nghiêm túc những “điểm nghẽn” cố hữu trong nền kinh tế hiện nay.
Một trong những vấn đề nổi cộm là tình trạng hàng nghìn dự án bị “đắp chiếu”, bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng cho nguồn lực quốc gia. Hiện có hàng nghìn dự án nằm bất động, với tổng giá trị đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Những con số này không chỉ phản ánh sự yếu kém trong khâu quản lý, giám sát, mà còn là minh chứng cho sự lãng phí tài nguyên, làm xói mòn niềm tin xã hội. Điển hình như dự án Vinashin, từng được triển khai rầm rộ nhưng sau đó lâm vào tình trạng “đắp chiếu” kéo dài hàng thập kỷ, trở thành gánh nặng lớn cho ngân sách và dư luận xã hội.
Theo ông Thân, việc chống lãng phí cần được đặt lên hàng đầu, không chỉ là yêu cầu về mặt kinh tế mà còn là yêu cầu chính trị, đạo đức công vụ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần quan tâm sâu sát đến vấn đề này, kiến nghị mạnh mẽ với Đảng, Nhà nước để có giải pháp xử lý tận gốc. Không thể để những “nút thắt” về cơ chế, sự buông lỏng trách nhiệm hoặc sự thiếu phối hợp giữa cơ quan công quyền và con người thực thi làm trì trệ phát triển. “Với những người trực tiếp thực hiện, nếu làm sai thì phải chịu trách nhiệm, kể cả phải chịu trách nhiệm về hình sự và tài chính. Ngược lại, nếu sai sót từ phía cơ quan Nhà nước thì cũng cần minh bạch tháo gỡ, không thể cứ để một chỗ suốt nhiều năm mà không xử lý, gây bức xúc trong nhân dân và lãng phí nguồn lực xã hội”, ông Thân nhấn mạnh.
Trong bối cảnh Chính phủ xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là khi Nghị quyết 57-NQ/TW đã được ban hành, nếu chúng ta không triển khai đồng bộ từ nền tảng công nghệ từ cấp cơ sở thì rất có thể Việt Nam sẽ bị tụt lại phía sau. Để chuyển đổi số thành công, cần có sự đầu tư chiến lược, trong đó vai trò hỗ trợ, kết nối của Mặt trận cũng phải đổi mới mạnh mẽ.
Một trong những vấn đề then chốt để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là tiếp cận nguồn vốn. Theo ông Thân, cần khẩn trương phát triển hệ thống ngân hàng số, tạo điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn mà không bắt buộc thế chấp, đồng thời vẫn có thể kiểm soát và phòng ngừa rủi ro. Cách làm này không chỉ giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, mà còn đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển.
Bên cạnh đó, ông Thân cũng đặt vấn đề về sự công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế. Ông cho rằng doanh nghiệp Nhà nước cần phát huy vai trò “gương mẫu”, là chỗ dựa và hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân; vì nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ, được tạo điều kiện làm, trong khi doanh nghiệp tư nhân không có cơ hội tiếp cận. Do vậy, nếu đã nhận vai trò tiên phong, thì doanh nghiệp Nhà nước cũng phải thể hiện trách nhiệm xã hội, nhất là trong việc đảm bảo an sinh xã hội, thậm chí còn phải ở mức cao hơn doanh nghiệp tư nhân.
N. Phượng - V. Mạnh- Q. Vinh- T. Đạt
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/chong-lang-phi-can-dat-len-hang-dau-10309901.html