Nhiều sai phạm được sáng tỏ
Kết quả thanh tra tại hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam cho thấy những sai phạm trong quá trình triển khai 2 dự án có tính hệ thống, vi phạm sau xuất phát từ vi phạm trước, từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư; phê duyệt chủ trương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức đấu thầu; lựa chọn, ký kết và thực hiện các gói thầu. Đồng thời, hợp đồng xây dựng ký kết không rõ ràng, không tuân thủ bất kỳ quy định nào tại các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
“Đặc biệt, giá trị lãng phí được phát hiện qua thanh tra tại 2 dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cao gấp rất nhiều lần so với số tiền thiệt hại tạm tính khoảng 100 tỷ đồng. Điều này cho thấy người đứng đầu Đảng ta đã sớm nhận diện rất chính xác và đã cảnh báo toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân về vấn nạn này qua bài viết với tiêu đề chống lãng phí” – kết luận có nêu.
Dự án Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở tỉnh Hà Nam vẫn hoang hóa. Ảnh: Ngọc Thành
Thời gian gần đây, tình trạng lãnh phí xảy ra ở tất cả các địa phương trên cả nước, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai và các dự án có sử dụng đất. Đặc biệt là ở nơi có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thì tình trạng lãng phí đất đai và nguồn lực đầu tư công chiếm số lượng nhiều nhất. Mới đây, UBND TP cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí năm 2025 và các năm tiếp theo.
UBND TP giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành phân loại về quá trình hình thành, triển khai thực hiện đối với từng dự án; thực hiện đánh giá tổng thể về dự án đầu tư có sử dụng đất trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay. Trên cơ sở đó, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể theo từng nhóm đã phân loại, trước mắt tập trung vào 712 dự án và 117 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai do UBND cấp huyện đề xuất kiến nghị xử lý, thực hiện trong quý II, III/2025.
Trích dẫn
Trích dẫn 1
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí trong năm 2025 và các năm tiếp theo, tập trung vào một số nội dung: tài chính, đầu tư, quản lý tài sản công; quản lý đất đai và các dự án có sử dụng đất... trước mắt tập trung vào 712 dự án và 117 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai. Đây được xem là động thái quyết liệt của TP trong việc thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đấu tranh phòng, chống lãng phí – cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp.
“Thời gian qua, chính quyền TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống lãng phí các nguồn lực đầu tư, đất đai, điển hình như việc TP yêu cầu xử lý dứt điểm hơn 700 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, tôi cho rằng đây là động thái quyết liệt của TP trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. Nếu làm tốt công tác này, không chỉ giúp cho TP tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm, mà còn giúp nâng cao uy tín của Đảng, chính quyền và nâng cao chất lượng sống cho người dân” – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp đánh giá.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, tham nhũng, lãng phí không chỉ dừng lại ở câu chuyện tiền bạc, mà nó còn liên quan đến vận mệnh phát triển của đất nước. Hàng trăm dự án với hàng chục nghìn hécta đất nằm “đắp chiếu” 10 – 20 năm không triển khai, thậm chí có nhiều dự án đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng... điều đó xuất phát từ việc những người làm công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn; năng lực của cán bộ quản lý Nhà nước trong việc thực hiện dự án, xử lý ngân sách; và trong cơ quan quản lý tồn tại nhóm lợi ích, dẫn đến cơ chế xin – cho.
“Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải quyết liệt hơn, quy trách nhiệm một cách rõ ràng hơn, trong đó là trách nhiệm của người đứng đầu, bỏ tư duy nhiệm kỳ hay “hạ cánh” an toàn. Những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về việc ký duyệt dự án, khi một dự án được ký duyệt nó phải phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích Nhân dân, nếu dự án đó xảy ra tình trạng bỏ hoang, chậm triển khai thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” – KTS Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm.
Theo chuyên gia về quy hoạch đô thị - KTS Trần Tuấn Anh, thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc chống lãng phí, đặc biệt là trong quản lý ngân sách và sử dụng tài nguyên, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư công, qua đó phát hiện, xử lý nhiều trường hợp lãng phí; một số cơ quan của TP thực hiện công khai ngân sách, giúp người dân có thể giám sát chi tiêu công; đồng thời TP cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, giao thông và hành chính công để giảm thiểu thủ tục rườm rà, tránh lãng phí thời gian, nhân lực...
Đây là động thái tích cực đáng ghi nhận trong công tác chống lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, con người.
Trích dẫn
Trích dẫn 2
Trong kinh tế thị trường, người ta luôn đặt vấn đề kích cầu bằng mọi cách để kích thích sản xuất hàng hóa tốt và rẻ, cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Vì vậy, phạm vi tiết kiệm, chống lãng phí cần xác định chi tiết hơn, đúng đắn hơn. Chúng ta cần xác định lại phạm vi tập trung điều chỉnh về tiết kiệm, chống lãng phí sao cho phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế. Từ đó thiết kế luật pháp tập trung vào phạm vi mà việc không tiết kiệm, lãng phí gây hại cho phát triển đất nước và cũng cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ
Doãn Thành