UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1889/QĐ-UBND về phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô.
Xã Đa Tốn nhìn từ trên cao.
Trung tâm được đặt tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, nhằm cụ thể hóa điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N11 tại ô quy hoạch ký hiệu C4 đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt; đề xuất cơ cấu, chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất đáp ứng yêu cầu xây dựng Trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô đồng bộ về quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật.
Trung tâm được xây dựng với các mục đích: Tổ chức sự kiện văn hóa Phật giáo của Thủ đô; trung tâm giới thiệu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống Phật giáo Thủ đô; trụ sở hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố; tạo dựng không gian văn hóa thu hút người dân và khách du lịch.
Dự toán kinh phí lập quy hoạch chi tiết được thực hiện theo Thông tư số 20/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, thời gian hoàn thành hồ sơ đồ án quy hoạch chi tiết là 6 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm tổ chức kiểm tra xác nhận Thuyết minh Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Trung tâm văn hóa Phật giáp Thủ đô phù hợp với Quyết định phê duyệt của UBND Thành phố.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch theo đúng tiến độ và các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố về quản lý quy hoạch, đầu tư và xây dựng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Đa Tốn, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư khu vực để tiến hành nghiên cứu triển khai theo quy định hiện hành. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Trước đó, vào tháng 6/2024, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị N11, tỷ lệ 1/5.000 tại ô quy hoạch ký hiệu C4 để xây trung tâm này. Phía Bắc khu đất giáp khu dân cư hiện hữu; phía Đông và phía Nam giáp tuyến đường quy hoạch có mặt cắt ngang 17,5 m; giáp ô đất chức năng đất nhóm nhà ở mới; phía Tây giáp tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên, theo quy hoạch có mặt cắt ngang 40 m. Quy mô điều chỉnh khoảng 5,38 ha.
Trung Nguyên/Báo Tin tức