Trên tinh thần ấy, từ ngày 13-11-2024, Báo Hànôịmới mở chuyên mục: CHỐNG LÃNG PHÍ, đăng trên trang 6, số ra thứ 4 và thứ 6 hằng tuần. Chuyên mục phản ánh những lãng phí đang tồn tại, cần được khắc phục triệt để nhằm góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống lãng phí và hiện thực hóa tinh thần chung nội dung bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Dự án mở rộng một phần tỉnh lộ 70, đoạn qua phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) trở thành nơi tập kết máy móc, vật liệu.
Trên địa bàn phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) có 2 tuyến đường huyết mạch, nhưng đều trong tình trạng quá tải. Đó là đường Hữu Hưng và tỉnh lộ 70. Trong đó, đường Hữu Hưng không có vỉa hè, mặt cắt nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc giao thông. Tuyến đường dù đã có quy hoạch mở rộng nhiều năm, nhưng chưa có dự án triển khai. Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều đề đạt với cấp thẩm quyền xem xét đầu tư dự án để hạ tầng giao thông của địa phương thuận lợi, mở rộng giao thương với các vùng lân cận.
Ngược lại với sự “bất động” của tuyến Hữu Hưng, thì một phần tuyến đường 70 (song song với đường 70 cũ), đoạn qua địa bàn phường Tây Mỗ dù đã khởi công từ năm 2020, nhưng đến nay vẫn dở dang.
Cụ thể, đoạn từ ngõ 6 tổ dân phố Miêu Nha đến hết phần rào tôn của Dự án Làng Giáo dục quốc tế, mặt đường đã thi công gần như hoàn thiện, nhưng chưa đưa vào sử dụng, vì đoạn từ ngõ 6 Miêu Nha đến cầu Ngà chưa được giải phóng mặt bằng. Thực trạng này gây ra sự bức bối, bất lực cho người tham gia giao thông bởi một phần đường thuộc dự án dài khoảng 800m, thành nơi tập kết máy móc, phương tiện của một số ít người. Trong khi đó, đường 70 cũ vẫn oằn mình gánh lượng phương tiện dày đặc nhích từng chút một vào giờ cao điểm...
Năm 2011, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Dự án xây dựng một phần tuyến đường 70, đoạn từ cầu Ngà đến hết ranh giới Làng Giáo dục quốc tế và đường quanh Làng Giáo dục quốc tế. Năm 2019, dự án được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh với tổng chiều dài gần 3,3km (trong đó một phần tuyến đường 70 dài hơn 1,2km), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Liên quan đến mặt bằng dự án, tháng 2-2024, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm và UBND huyện Hoài Đức bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trong tháng 6-2024, song đến nay dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Thực tế, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vẫn luôn là một trong những lý do được nhiều đơn vị sử dụng để bao biện cho việc dự án chậm triển khai, đội vốn..., gây lãng phí lớn các nguồn lực xã hội, dẫn đến những bức xúc không đáng có trong nhân dân. Điều cần được lý giải là vì sao công tác giải phóng mặt bằng không được xử lý quyết liệt? Nguyên nhân khách quan hay chủ quan? Bạn đọc cần câu trả lời của các đơn vị liên quan để sự lãng phí của dự án này không kéo dài thêm.
Thiện Mỹ