Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định Dự án Luật Thương mại điện tử (TMĐT).
Phải xác thực danh tính người livestream
Một số nội dung chính tại dự thảo Luật: Dự thảo Luật TMĐT quy định bốn mô hình hoạt động TMĐT tại Việt Nam, bao gồm nền tảng TMĐT kinh doanh trực tiếp, nền tảng TMĐT trung gian, mạng xã hội có hoạt động TMĐT và nền tảng tích hợp đa dịch vụ.
Song song đó là các quy định về nhóm trách nhiệm chung của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT.
Cụ thể, nền tảng TMĐT phải công bố công khai và minh bạch thông tin về chủ sở hữu và thông tin về người bán. Đây là một điểm mới so với Nghị định hiện hành, yêu cầu phải hiển thị tên, địa chỉ kinh doanh của người bán; thông tin về sản phẩm; và điều kiện giao dịch chung như chính sách giao hàng, thanh toán, cơ chế giải quyết tranh chấp.
Chủ quản nền tảng TMĐT có trách nhiệm định danh người bán trong nước qua VNeID, định danh người bán nước ngoài thông qua giấy tờ chứng minh tính hợp pháp.
Bên cạnh đó, nền tảng phải có cơ chế tự động kiểm duyệt thông tin trước khi hiển thị và phải rà soát, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh.
Dự thảo Luật quy định nền tảng TMĐT phải lưu trữ thông tin về hàng hóa, dịch vụ đã đăng tải trên nền tảng tối thiểu một năm kể từ thời điểm đăng tải; và lưu trữ thông tin liên quan đến nội dung cơ bản của hợp đồng giao dịch tối thiểu ba năm kể từ thời điểm giao kết.
Đối với hoạt động bán hàng qua livestream, chủ quản nền tảng phải xác thực danh tính người livestream, đồng thời công khai và thực hiện cơ chế, biện pháp kiểm soát nội dung bán hàng theo thời gian thực.
Đối với người bán hàng, phải cung cấp cho người livestream các tài liệu pháp lý chứng minh sản phẩm đáp ứng đủ điều kiện.
Người livestream không được cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về công dụng, xuất xứ, chất lượng, giá cả, khuyến mại và các nội dung khác liên quan đến hàng hóa. Đồng thời, phải thực hiện đúng nội dung quảng cáo đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải xác nhận nội dung quảng cáo.
Đối với hoạt động tiếp thị liên kết, tổ chức cung cấp dịch vụ phải định danh người tiếp thị; có cơ chế theo dõi, giám sát hoạt động của họ; và phải ngăn chặn, gỡ bỏ các liên kết đến hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật.
Người tiếp thị liên kết không được cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về sản phẩm, và không được thực hiện tiếp thị liên kết trên các nền tảng số chưa đáp ứng điều kiện hoạt động tại Việt Nam.
Doanh nghiệp tranh thủ livestream bán hàng khi tham gia triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm. Ảnh: TÚ UYÊN
Hai điểm nóng: Quản lý mạng xã hội và livestream
Theo Bộ Công Thương, sau khi gửi hồ sơ dự thảo Luật TMĐT để xin ý kiến các cơ quan, ban, ngành, về cơ bản các đơn vị đều nhất trí với nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến khác nhau ở một số vấn đề.
Chẳng hạn, đối với mô hình mạng xã hội có hoạt động TMĐT, có hai luồng ý kiến. Nhóm 1 đề nghị quy định quản lý chặt chẽ hơn nữa các nền tảng này nhằm đảm bảo sự công bằng với các nền tảng TMĐT trung gian.
Trong khi đó, nhóm ý kiến 2 cho rằng việc quy định mạng xã hội giống như một nền tảng TMĐT trung gian có phần khiên cưỡng, vì tính năng chính của các nền tảng này là mạng xã hội, không phải TMĐT.
Theo giải trình của Bộ Công Thương, hoạt động đăng tin, quảng cáo, mua bán hàng hóa trên mạng xã hội ngày càng phát triển và đây thực chất là một loại hình TMĐT.
Trong khi các sàn giao dịch TMĐT phải tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về TMĐT, thuế, bảo vệ người tiêu dùng, thì các mạng xã hội có hoạt động mua bán lại chưa phải tuân thủ. Điều này dẫn đến các giao dịch phi chính thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và gây thất thu thuế.
Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục quy định quản lý chặt chẽ hơn các nền tảng mạng xã hội có hoạt động TMĐT để đảm bảo sự công bằng.
Tương tự, về quản lý hoạt động bán hàng livestream, có nhóm ý kiến đề nghị giới hạn chủ thể được phép livestream bán hàng thông qua các yêu cầu về tiêu chí, trình độ, chứng chỉ cụ thể, đồng thời yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với hàng hóa, dịch vụ do mình giới thiệu.
Ngược lại, nhóm ý kiến 2 đề nghị nới lỏng các quy định, do đây là hoạt động dễ thực hiện, giúp hàng hóa dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động bán hàng livestream thời gian qua được ghi nhận là một kênh bán hàng hiệu quả tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một lượng lớn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được tiếp thị và bán qua kênh này, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.
Ngoài ra, nhà nước cũng không thu được thuế từ các giao dịch mua bán qua kênh livestream do các giao dịch này không được lưu vết.
Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị dự thảo Luật cần tăng cường trách nhiệm pháp lý của các bên, không chỉ đối với người trực tiếp livestream, chủ quản nền tảng mà cả người bán hàng, nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động này.
Bộ Công Thương đề xuất Luật TMĐT sẽ thông qua tại một kỳ họp vào Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV năm 2025.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát vi phạm trên TMĐT
Theo Bộ Công Thương, do đặc thù của TMĐT là hoạt động trên môi trường online, cơ quan này dự kiến sẽ áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý hồ sơ, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trên TMĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, hướng tới mục tiêu mỗi địa phương đều có đầu mối thực hiện công tác này.
TÚ UYÊN