Christie's bị 3.000 người phản đối khi đấu giá tranh của AI

Christie's bị 3.000 người phản đối khi đấu giá tranh của AI
5 giờ trướcBài gốc
Hai tác phẩm "Embedding Study 1" và "Embedding Study 2" của Holly Herndon và Mat Dryhurst được trưng bày trong buổi xem trước phiên đấu giá tại nhà đấu giá Christie’s, New York (Mỹ). Ảnh: Brendan McDermid/Reuters.
Theo The Guardian, Augmented Intelligence được giới thiệu là phiên đấu giá đầu tiên của Christie’s dành riêng cho các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Trước đó, nhà đấu giá này cũng là đơn vị đầu tiên bán một tác phẩm AI vào năm 2018.
Phiên đấu giá quy tụ nhiều nghệ sĩ, bao gồm Alexander Reben - nghệ sĩ đầu tiên trong chương trình nghệ sĩ lưu trú của OpenAI, bộ đôi vợ chồng Holly Herndon và Mat Dryhurst, Pinder Van Arman, Refik Anadol, Claire Silver, Linda Dounia, và cố nghệ sĩ Harold Cohen - người tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật AI, nổi tiếng với chương trình AARON.
Tuy nhiên, một bức thư kêu gọi hủy bỏ phiên đấu giá đã thu hút hơn 3.000 chữ ký, trong đó có hai nghệ sĩ Karla Ortiz và Kelly McKernan - những người đang đệ đơn kiện các công ty AI vì cho rằng tác phẩm của họ bị sử dụng trái phép để đào tạo các công cụ tạo hình ảnh.
Bức thư khẳng định nhiều tác phẩm AI trong phiên đấu giá đã phân tích và sử dụng dữ liệu trái phép từ những tác phẩm có bản quyền. Theo đó, các công ty phát triển AI bị cáo buộc khai thác tác phẩm của nghệ sĩ mà không xin phép hoặc trả phí, nhằm tạo ra sản phẩm thương mại có thể cạnh tranh với chính những người sáng tạo.
Khách tham quan chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật AI tại buổi xem trước phiên đấu giá đầu tiên dành riêng cho nghệ thuật trí tuệ nhân tạo, do Christie’s tổ chức vào ngày 5/2. Ảnh: Brendan McDermid/Reuters.
Thư phản đối kêu gọi Christie’s hủy bỏ phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 20/2, cho rằng việc nhà đấu giá ủng hộ các mô hình AI và người sử dụng chúng đồng nghĩa với việc tiếp tay cho các công ty AI khai thác tác phẩm của nghệ sĩ mà không có sự cho phép.
Vấn đề này càng trở nên nhạy cảm trong bối cảnh việc AI sử dụng các tác phẩm có bản quyền để huấn luyện mô hình - nền tảng của các công cụ như Stable Diffusion, Midjourney - đang đối mặt với những tranh cãi pháp lý. Nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà xuất bản và hãng thu âm đã đệ đơn kiện, cáo buộc các công ty AI vi phạm bản quyền.
Nhà soạn nhạc người Anh Ed Newton-Rex, một trong những người ký vào bức thư và là nhân vật quan trọng trong chiến dịch bảo vệ quyền lợi của giới sáng tạo, cho biết có ít nhất 9 tác phẩm AI trong phiên đấu giá đã sử dụng dữ liệu từ tác phẩm có bản quyền. Tuy nhiên, một số tác phẩm khác dường như không liên quan đến các mô hình này.
"Các nghệ sĩ tham gia phiên đấu giá đều có nền tảng nghệ thuật đa lĩnh vực vững chắc, một số còn được ghi nhận trong các bộ sưu tập bảo tàng danh tiếng. Những tác phẩm này sử dụng trí tuệ nhân tạo như một công cụ hỗ trợ sáng tạo, và trong phần lớn trường hợp, AI được kiểm soát chặt chẽ, với dữ liệu đào tạo lấy từ chính tác phẩm của nghệ sĩ", đại diện Christie’s cho biết.
Tác phẩm Machine Hallucinations - ISS Dreams - A của nghệ sĩ Refik Anadol được đấu giá với mức dự kiến 150.000-200.000 USD. Ảnh: Christie’s.
Nghệ sĩ người Anh Mat Dryhurst, một trong những người có tác phẩm tham gia đấu giá, cho biết anh đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa nghệ thuật và AI, đồng thời bác bỏ những chỉ trích trong thư phản đối. Tác phẩm Embedding Study 1 & 2 của anh và vợ, Holly Herndon, lấy cảm hứng từ tác phẩm xhairymutantx và được định giá 70.000-90.000 USD trong phiên đấu giá lần này.
Theo Dryhurst, tác phẩm này là một phần trong quá trình khám phá cách các mô hình AI công khai sử dụng dữ liệu để tái tạo hình ảnh hoặc phong cách của Herndon.
"Đây là chủ đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã thực hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật nhằm nghiên cứu và tác động đến quá trình này, và đây hoàn toàn thuộc quyền sáng tạo của chúng tôi. Hiện tại, chưa có quy định nào cấm việc sử dụng mô hình AI trong sáng tạo nghệ thuật. Tôi cho rằng cuộc tranh luận này nên tập trung vào các công ty AI và các chính sách quản lý, thay vì chỉ chỉ trích những nghệ sĩ đang nỗ lực thích ứng với sự phát triển của công nghệ", Dryhurst chia sẻ.
Refik Anadol, một trong những nghệ sĩ có tác phẩm tham gia đấu giá, cũng bác bỏ những chỉ trích này. Trong một bài đăng trên X (trước đây là Twitter), anh cho rằng những phản ứng gay gắt hiện nay bắt nguồn từ “cách phê bình thiếu sâu sắc và tâm lý hoang mang thái quá”.
Tường Uyên
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/christie-s-bi-3000-nguoi-phan-doi-khi-dau-gia-tranh-cua-ai-post1530768.html