Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 lưu ý ra đề thi Ngữ văn vào lớp 10

Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 lưu ý ra đề thi Ngữ văn vào lớp 10
11 giờ trướcBài gốc
Giờ học Ngữ văn tại Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Nội).
Hiện nay, đề thi vào lớp 10 do địa phương thực hiện. PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống cho rằng, các Sở GD&ĐT phải dựa vào Chương trình GDPT 2018 để đề xuất đề thi đúng hướng, có cơ sở khoa học và pháp lý.
Theo đó, nội dung cụ thể của đề thi các tỉnh có thể khác nhau, nhưng cấu trúc, định dạng và yêu cầu của đề thi vào lớp 10 cần theo một hướng chung.
Xuất phát từ yêu cầu của Chương trình Ngữ văn 2018, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đề xuất một số điểm cần chú ý trong việc ra đề thi vào lớp 10 như sau:
Thứ nhất: Phạm vi, mức độ, yêu cầu của đề thi vào lớp 10 tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 9, thời gian làm bài là 120 phút. Đề thi phải có 2 phần đọc hiểu và viết, nhằm kiểm tra đánh giá được 2 năng lực tiếp nhận và tạo lập văn bản của học sinh mà chương trình đã quy định.
Thứ 2: Đề đọc hiểu yêu cầu học sinh đọc 1 trong 3 loại văn bản: văn học, nghị luận và thông tin. Ngữ liệu dùng đọc hiểu phải tiêu biểu cho đặc điểm thể loại và kiểu văn bản định kiểm tra. Nội dung ngữ liệu bảo đảm tính tư tưởng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ, phù hợp với đối tượng học sinh lớp 9. Ưu tiên cho các tác phẩm đã được thử thách qua thời gian, tiêu biểu cho thành tựu văn học các giai đoạn; những tác giả lớn, có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc…
Thứ 3: Câu hỏi trong đề đọc hiểu thuộc loại tự luận, hướng tới 3 mức độ nhận thức: biết, hiểu và vận dụng; trong đó phải có câu tiếng Việt.
Các câu hỏi đọc hiểu cần tập trung vào đặc điểm nội dung và hình thức của thể loại và kiểu văn bản có học trong chương trình lớp 9. Nếu cần có thể hạn chế phạm vi ra đề trong một số thể loại phổ biến như truyện và thơ, nhưng cần thông báo sớm cho giáo viên, học sinh toàn tỉnh.
Cần phân hóa điểm của các câu đọc hiểu: nhận biết dễ hơn nên ít điểm hơn loại câu thông hiểu và vận dụng. Tránh nêu một số câu hỏi quá đơn giản, quá dễ nhận biết, ít ý nghĩa trong đọc hiểu…
Số lượng câu hỏi đọc hiểu trong mỗi đề tùy vào các địa phương, thường từ 4 đến 5 câu, ít nhất là 3 câu ứng với 3 mức độ (biết, hiểu và vận dụng).
Thứ 4: Đề yêu cầu viết, cần có cả hình thức đoạn và bài với quy định về số lượng chữ phù hợp (thường với đoạn khoảng 200 chữ, tương ứng 18-20 dòng; bài khoảng 400- 500 chữ).
Cũng như quy định của đề thi tốt nghiệp nhằm bảo đảm học sinh phải huy động kiến thức xã hội và văn học khá đều nhau, nên nếu văn bản đọc hiểu là văn bản văn học hoặc nghị luận văn học thì yêu cầu viết đoạn nghị luận văn học và bài nghị luận xã hội. Ngược lại, nếu đọc hiểu là văn bản thông tin hoặc nghị luận xã hội thì yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học.
Thứ 5: Do thời gian ít nên các yêu cầu viết cần nêu giới hạn cụ thể trong đề, thường chỉ yêu cầu viết về một khía cạnh của nội dung hoặc hình thức văn bản văn học. Ví dụ: Phân tích diễn biến tâm lý của một nhân vật trong đoạn trích; hoặc phân tích nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh trong một đoạn thơ.
Với nghị luận xã hội cũng chỉ yêu cầu phát biểu về một phương diện cụ thể nào đó của một vấn đề xã hội. Chẳng hạn, nêu ý kiến của em lý giải vì sao “chết trong còn hơn sống đục”? Hoặc yêu cầu nghị luận về vai trò của lời nói trong giao tiếp hàng ngày…
Đề tài nghị luận xã hội cũng nên yêu cầu bàn luận về các vấn đề gần gũi, thiết thực nhưng có ý nghĩa với tuổi trẻ; tránh yêu cầu bàn luận vấn đề quá trừu tượng, to tát, cao siêu,… với học sinh lớp 9. Nghị luận văn học nên hướng tới những tác phẩm viết về ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, trường lớp, quê hương, đất nước…
Thứ 6: Cần lưu ý nhắc nhở học sinh rèn luyện cả ý và văn trong viết bài/ đoạn văn. Đáp án và hướng dẫn chấm cần quy định cụ thể việc trừ điểm nếu bài viết mắc nhiều lỗi về diễn đạt, trình bày, chính tả, ngữ pháp, chữ viết… Khắc phục thói quen đếm ý cho điểm; đề cao cả nội dung, hình thức bài văn; khuyến khích viết có ý sáng tạo và diễn đạt hay, có chất văn…
Đề kiểm tra, đề thi yêu cầu vận dụng những gì đã học vào đọc hiểu và tạo lập văn bản với ngữ liệu mới; chú ý yêu cầu diễn đạt trình bày, coi trọng cả ý và văn là hai điểm mới trong yêu cầu về kỹ năng đọc hiểu và viết…
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc dạy học Ngữ văn nhằm đánh giá đúng năng lực của người học. Học sinh phải làm ra sản phẩm của chính mình; góp phần khắc phục tình trạng dạy tủ, đoán mò, chỉ học thuộc văn mẫu để chép lại… Thay đổi đó sẽ tác động trở lại cách dạy và cách học Ngữ văn; không thể dạy và học theo cách cũ được nữa.
Hải Bình
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/chu-bien-chuong-trinh-ngu-van-2018-luu-y-ra-de-thi-ngu-van-vao-lop-10-post725951.html