Đề thi trong chương trình phổ thông

Đề thi trong chương trình phổ thông
14 giờ trướcBài gốc
Đề thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và cách quy đổi điểm xét tuyển đại học năm nay đang là những vấn đề được phụ huynh và học sinh lớp 12 quan tâm khi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 đang đến gần.
Hoạt động tư vấn tuyển sinh vào các trường đại học năm 2025.
Cần nâng cao khả năng tự học
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đề thi tốt nghiệp THPT sẽ chia tỷ lệ kiến thức theo ba mức độ tư duy là: 40% ở mức biết, 30% mức hiểu và 30% vận dụng. GS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: “Học sinh trình bày lại được những phần kiến thức, kỹ năng trong chương trình, sách giáo khoa đã đạt 40% rồi. Nếu học sinh hiểu thì được 30%. 30% còn lại dành cho các nội dung vận dụng. Khó nhất ở phần vận dụng, chiếm 30% điểm số. Ngoài học ở trường, thí sinh cần nâng cao khả năng tự học, tự tìm hiểu. Cũng không quá lo lắng vì kiến thức vận dụng cũng chỉ nằm trong chương trình”.
Theo ông Hà, việc phối hợp các yêu cầu cần đạt có thể ở mức độ tư duy thấp hơn. Thí dụ kết hợp giữa các khái niệm, định nghĩa. Nhưng từ đó, để học sinh giải quyết được một vấn đề gì đó trong bối cảnh có ý nghĩa thì đây cũng là vận dụng được sử dụng trong quá trình này. Tránh việc vận dụng nhưng lại sử dụng những nội dung, yêu cầu mà vượt quá yêu cầu, nằm ngoài chương trình.
Năm nay sẽ thi theo chương trình mới 2018, với những thí sinh học theo chương trình cũ 2006 chưa tốt nghiệp THPT hoặc muốn thi lại để xét tuyển ĐH vẫn sẽ được bảo đảm quyền lợi. Theo đó, Bộ GD&ĐT có hai đề thi cho thí sinh học theo chương trình cũ và chương trình mới. Để bảo đảm thuận lợi, thí sinh thi theo chương trình khác nhau sẽ ở điểm thi khác nhau.
GS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: “Thí sinh thi theo chương trình năm 2006 sẽ thi tại những điểm thi khác so với các học sinh thi theo chương trình 2018. Mặc dù thi theo chương trình mới nhưng Bộ GD&ĐT khẳng định, đề thi sẽ chỉ nằm trong chương trình đã học!”.
Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức kỳ thi khảo sát như kỳ thi thử tốt nghiệp THPT đối với học sinh lớp 12. Sau khi hoàn thành môn thi thứ 3 trong ngày của kỳ thi thử, nhiều thí sinh vui mừng vì đề thi không quá khó so với kiến thức đã học. Học sinh Bùi Tiến Trường, lớp 12 Trường THPT Kim Liên, Hà Nội nói: “Sau khi làm các bài thi, em cảm thấy rất tự tin. Đề thi thử dễ hơn những đề em đã từng làm”. Còn học sinh Lê Quang Nhật, lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội chia sẻ: “Với dạng đề Toán mới năm nay, em thấy khó ở phần đáp án. Có thể mình chọn sai nhưng lại không biết sai ở đâu, không kiểm tra lại được nên mỗi câu em đều làm thử lại hai lần!”.
Theo các giáo viên, đề thi thử môn Toán phù hợp với các kiến thức đã học. Tuy nhiên, một số câu hỏi phân loại học sinh nằm trong những câu trả lời ngắn đòi hỏi tư duy logic và khả năng vận dụng cao. Còn với môn Ngoại ngữ, định dạng đề có nhiều đổi mới, học sinh cần nắm vững ngữ pháp, có vốn từ vựng rộng và kỹ năng đọc hiểu tốt để xử lý câu hỏi nhanh chóng. Bên cạnh những thử thách, thí sinh cũng bày tỏ sự thích thú với cách ra đề mới, vận dụng nhiều kiến thức thực tế hơn. Đặc biệt, môn Ngữ văn đã đưa vào những nội dung gần gũi hơn với đời sống học sinh. Nhìn chung cấu trúc đề thi thử giống với đề minh họa mà Bộ GD&ĐT đã đưa ra trước đó.
Em Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội nói: “Em hy vọng sẽ được tầm 9 điểm. Năm nay đề ra rất sát với thực tế nên cũng dễ viết hơn. Em thích đề ra như thế này, không bắt buộc phải học thuộc quá nhiều, nội dung lại gần với thế hệ trẻ nên dễ viết hơn. Học sinh yêu môn Văn cũng được thỏa sức sáng tạo”.
Theo các giáo viên, đề thi Ngữ văn năm nay là dạng đề mở, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. “Tôi đánh giá cao sự phân hóa ở phần nghị luận xã hội. Bởi vì phần nghị luận xã hội giúp học sinh hiểu chính mình thông qua những liên hệ, trải nghiệm, vốn sống từ thực tế và phải có cách diễn đạt mạch lạc, thuyết phục”, cô giáo Vũ Thị Mai, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội chia sẻ.
Công thức quy đổi điểm xét tuyển đại học
Ngày 29/3, tại Hội nghị tuyển sinh năm 2025 được tổ chức tại TP Hải Phòng, Bộ GD&ĐT đã công bố công thức quy đổi điểm xét tuyển đại học (ĐH) năm 2025 trong Dự thảo Hướng dẫn tuyển sinh ĐH năm 2025. Theo đó, điểm trúng tuyển giữa các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển của một mã xét tuyển theo một quy tắc do cơ sở đào tạo quy định, bảo đảm tương đương về mức độ đáp ứng yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo tương ứng.
Đối với một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng dựa trên điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển quy đổi tương đương theo từng phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển. Do đó, đối với các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, trường phải xây dựng quy tắc quy đổi điểm tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển bảo đảm theo quy chế tuyển sinh.
Bộ yêu cầu quy tắc/công thức quy đổi phải đơn giản, dễ hiểu và thuận lợi cho việc áp dụng. Trong đó, các trường sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi.
Việc xây dựng cần căn cứ dữ liệu thống kê, phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo tổ hợp các năm trước (ít nhất 2 năm trước liền kề). Từ tương quan giữa kết quả học tập ở đại học và phổ điểm các phương thức của cùng nhóm thí sinh; ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho tới mức tối đa của thang điểm xét, các trường phải xác định tối thiểu 3 vùng điểm (thí dụ là xuất sắc - giỏi, khá, đạt), từ đó xây dựng tối thiểu ba hàm tương quan tuyến tính (3 hàm bậc nhất) cho các vùng điểm này.
Dựa trên phương án nêu trên, đồng thời, căn cứ quy tắc chuẩn được Bộ công bố sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, căn cứ đặc thù của chương trình, ngành đào tạo, các trường đại học hoàn thiện quy tắc quy đổi và công bố theo quy định.
Bộ dẫn chứng một thí dụ cụ thể: Phân tích kết quả của cùng một nhóm thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và kết quả học bạ (6 học kỳ) theo 5 khối truyền thống; căn cứ đánh giá kết quả học tập của sinh viên các năm trước cho thấy: Thí sinh giỏi - xuất sắc chiếm tỷ lệ 30% tổng số thí sinh trúng tuyển, tương ứng kết quả thi THPT là 24,75 và điểm học bạ trúng tuyển là 25,75; thí sinh khá trở lên chiếm tỷ lệ 80% tổng số thí sinh, điểm thi THPT trúng tuyển tương ứng là 20,5 và điểm trúng tuyển học bạ là 22,0; còn lại là mức đạt.
Theo đó, các trường ĐH có thể sử dụng các điểm (24,75; 25,75); (20,5; 22) cùng với điểm là ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và điểm tối đa của thang điểm xét (30; 30) để tuyến tính hóa từng vùng và xác lập công thức (dạng phương trình bậc nhất) quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa 2 phương thức.
Bên cạnh đó, điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay là thí sinh có chứng chỉ quốc tế sẽ không được tuyển thẳng mà đưa về xét tuyển theo 2 cách: Quy đổi sang thang điểm 10 hoặc cộng điểm ưu tiên với mức cộng tối đa là 3 điểm trong thang 30. Về vấn đề này, PGS, TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng: Các em sẽ nhận được mức điểm thưởng tương ứng để cộng vào điểm xét tuyển cuối cùng, từ 1-7 điểm trên thang 100. Khi các em có kết quả thi chứng chỉ ngoại ngữ từ 5,5 đến trên 8, nếu điểm thi đánh giá tư duy trên 70 điểm, sẽ được cộng thêm ở mức từ 1 đến 7, tùy theo chứng chỉ ngoại ngữ.
Hiện tại, mỗi trường ĐH tại Việt Nam có cách quy đổi điểm chứng chỉ IELTS khác nhau, tương ứng từ 6-10 điểm tùy thuộc mức điểm của chứng chỉ này. Thí dụ, mức điểm IELTS 5,0 thì một số trường có điểm quy đổi là 7, một số trường khác là 8 điểm, một số trường là 8,5 điểm. Với mức quy đổi khác nhau, thí sinh sẽ có những cơ hội khác nhau khi xét tuyển ở mỗi trường. Tại một số trường ĐH lớn, mức điểm IELTS của thí sinh phải từ 7,5 đến 8,0 trở lên mới đạt ngưỡng an toàn để xét tuyển vào các ngành có tỷ lệ cạnh tranh.
Ông Nguyễn Quang Huy, Khoa Tài chính - Ngân hàng, ĐH Nguyễn Trãi cho rằng: “Điều này đang gây ra sự thiếu nhất quán trong việc lựa chọn giữa các trường ĐH. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sớm ban hành khung tiêu chuẩn trong việc cộng điểm IELTS, như vậy sẽ hài hòa hơn”.
(Theo nhandan.vn)
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/giao-duc/202504/thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-de-thi-trong-chuong-trinh-pho-thong-1038954/