Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước cơ bản ổn định
Báo cáo tại hội nghị toàn quốc về công tác dân tộc, tôn giáo diễn ra ở Khánh Hòa chiều 31/3, ông Nguyễn Cao Thịnh, Chánh Văn phòng Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho biết: Trong quý 1, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cả nước cơ bản ổn định. Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và theo đúng hiến chương, điều lệ, tôn chỉ, mục đích đề ra, và thực hiện theo phương châm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Ngọc
Nhiều hoạt động tôn giáo lớn được tổ chức theo quy định của pháp luật, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham gia; nhiều tổ chức tôn giáo tiếp tục chuẩn bị tổ chức các hội nghị thường niên theo quy định của giáo luật và tuân thủ pháp luật.
Quan hệ giữa chính quyền với các tổ chức tôn giáo ngày càng cởi mở, gắn bó hơn.
Một số lễ hội tín ngưỡng đã được ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (lễ hội Cổ Loa ở Hà Nội, lễ hội Đền Đông Cuông ở Yên Bái...), góp phần làm cho hoạt động tín ngưỡng thêm sôi động.
Một số lễ hội tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với sản xuất nông nghiệp như lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội Lùng Tùng của người Thái, mở cửa rừng của nhiều dân tộc… đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tín ngưỡng của người dân và bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào.
Nhìn chung, các hoạt động tín ngưỡng cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật và đảm bảo các quy định về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ; chưa phát hiện những vấn đề phức tạp lớn.
Tuy nhiên, việc chấp hành và thực hiện nếp sống văn minh của người dân và du khách tại một số cơ sở tín ngưỡng còn hạn chế, vẫn xảy ra các hiện tượng bán hàng rong, cúng lễ thuê, đốt nhiều đồ mã…; vẫn diễn ra tình trạng lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan.
Một số cơ sở tín ngưỡng chưa công khai, minh bạch trong việc quản lý thu chi tiền công đức, tiền cho thuê dịch vụ… dẫn đến thiếu nguồn kinh phí cho trùng tu, tôn tạo lại cơ sở tín ngưỡng.
Vẫn còn một số phần tử lợi dụng mạng xã hội đăng tải những nội dung xuyên tạc để tuyên truyền, lôi kéo số chức sắc, tín đồ tôn giáo cực đoan ở trong và ngoài nước chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Không để xảy ra "điểm nóng"
Thời gian tới, Bộ Dân tộc và Tôn giáo sẽ tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình để phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, địa phương đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để xảy ra các "điểm nóng", phức tạp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đồng bào tôn giáo.
Kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo tại địa phương, tạo đồng thuận và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương nắm tình hình, dư luận liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo; chủ động xây dựng lập luận phục vụ công tác đấu tranh, phản bác với các hành vi sai phạm về tín ngưỡng, tôn giáo.
Mặt khác, ngành Dân tộc và Tôn giáo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 95 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, và các luật chuyên ngành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và người dân trong giai đoạn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn tâm linh hoặc lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi; không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
Cùng với đó, ngành Dân tộc và Tôn giáo sẽ thường xuyên gặp gỡ các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tổ chức tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách và giáo dục tín đồ chấp hành pháp luật.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 tại TPHCM.
Bình Minh