Chủ động đối phó dịch bệnh mới nổi, tái nổi

Chủ động đối phó dịch bệnh mới nổi, tái nổi
18 giờ trướcBài gốc
Cả nước đối mặt với sự gia tăng liên tục ca mắc sốt xuất huyết tại các thành phố lớn thời gian qua. (Ảnh: VNVC).
Cảnh giác dịch bệnh mới nổi, lo ngại lan rộng toàn cầu
Thời gian qua, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á như: Nhật Bản, Thái Lan và Hồng Kông (Trung Quốc) đã đồng loạt phát cảnh báo về bệnh X, một căn bệnh bí ẩn bùng phát tại Congo với tỷ lệ tử vong cao. Sự kiện này dấy lên lo ngại về nguy cơ xuất hiện một đại dịch toàn cầu mới, đặc biệt sau bài học từ đại dịch COVID-19.
Cụ thể, đến khoảng giữa tháng 12, Cộng hòa Dân chủ Congo đã ghi nhận 376 ca mắc bệnh X kể từ cuối tháng 10/2024, trong đó có 79 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, gần 200 ca bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi, khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Các triệu chứng bao gồm: sốt, đau đầu, ho, khó thở và thiếu máu. Trường hợp đầu tiên được báo cáo vào ngày 24/10 tại khu vực y tế Panzi, tỉnh Kwango, phía Tây Nam Congo. Chính quyền nước này đã chính thức ban hành cảnh báo từ ngày 1/12. Các quan chức y tế Congo đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC) để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Bộ trưởng Y tế Congo Samuel Roger Kamba cho biết nước này đang trong tình trạng “báo động cao nhất”. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong xét nghiệm, kéo dài tới 5 - 6 tuần, đang làm gia tăng nguy cơ lây lan và khó kiểm soát dịch bệnh.
Sự bùng phát bệnh X không chỉ là vấn đề của riêng Congo mà đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Với kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19, các chuyên gia y tế lo ngại bệnh X có thể trở thành một tác nhân gây dịch bệnh mới trên quy mô toàn cầu. Ông Jean Kaseya, Giám đốc CDC châu Phi nhấn mạnh: “Đây là lời cảnh tỉnh cho những thách thức trong phát hiện và quản lý dịch bệnh tại các quốc gia như Congo, nơi dịch bệnh chết người thường xuyên xảy ra”.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á đã ban hành các biện pháp phòng ngừa trước nguy cơ bệnh X lan rộng. Tại Thái Lan, Bộ Y tế đã gửi cảnh báo đến tất cả các văn phòng y tế và yêu cầu giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ Congo. Đặc biệt, các trạm kiểm soát y tế tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok được đặt trong tình trạng sẵn sàng, mặc dù quốc gia này được đánh giá có nguy cơ thấp. Hồng Kông (Trung Quốc) cũng triển khai biện pháp kiểm soát tại sân bay đối với hành khách đến từ Johannesburg và Addis Ababa, hai điểm trung chuyển chính từ Congo. Bộ Ngoại giao Nhật Bản khuyến cáo người dân hạn chế đi đến khu vực bị ảnh hưởng nếu không thực sự cần thiết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Congo đang chịu ảnh hưởng kép từ dịch bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) với hơn 47.000 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và 1.000 trường hợp tử vong. WHO trước đó đã tuyên bố Mpox là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Sự đồng thời xuất hiện của Mpox và bệnh X tại Congo càng làm tăng áp lực lên hệ thống y tế vốn đã quá tải. Sự bùng phát bệnh X đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao năng lực giám sát dịch bệnh trên toàn cầu. Kinh nghiệm từ COVID-19 cho thấy việc chậm trễ trong xét nghiệm, giám sát và cảnh báo có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Các quốc gia cần phối hợp chặt chẽ hơn để chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trong việc kiểm soát dịch bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
Các chuyên gia nhận định rằng những căn bệnh bí ẩn này phần lớn bắt nguồn từ điều kiện sống và môi trường không đảm bảo, kết hợp với các yếu tố thời tiết cực đoan. Đây cũng là những yếu tố đang làm gia tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật. Những bệnh như HIV, Mpox, zika, cúm gia cầm hay viêm não Nhật Bản đều liên quan đến mối quan hệ giữa động vật hoang dã, vật nuôi và con người. Xu hướng gia tăng các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi hiện nay chủ yếu tập trung vào các nhóm bệnh do virus, giun sán, nấm…
Đẩy mạnh kiểm soát các nguyên nhân gây bệnh
Sự gia tăng các ca bệnh có nguyên nhân từ nhiều yếu tố, chẳng hạn như giao thương, du lịch và biến đổi khí hậu là những yếu tố thúc đẩy sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời, sự chủ quan của một bộ phận dân cư, từ việc không tiêm vaccine đến phản đối tiêm chủng, cũng làm gia tăng thách thức trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Hàng loạt quốc gia, vùng lãnh thổ cảnh báo về bệnh X, một căn bệnh bí ẩn bùng phát tại Congo với tỷ lệ tử vong cao. (Ảnh: Indiatimes).
Thời điểm cuối năm luôn đi kèm với lượng người di chuyển tăng đột biến do nhu cầu về quê, du lịch và tham gia các lễ hội. Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTT&DL), chỉ tính riêng tháng 11/2024, có khoảng 4,5 triệu lượt khách nội địa và hơn 1,7 triệu khách quốc tế du lịch các điểm đến khắp Việt Nam. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus lây lan qua đường hô hấp như cúm mùa, tay - chân - miệng và các bệnh truyền nhiễm khác. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng sự di chuyển này không chỉ làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh đã biết mà còn tiềm ẩn nguy cơ đưa các bệnh mới từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là khi dịch bệnh ở các quốc gia láng giềng Đông Nam Á cũng đang có chiều hướng gia tăng.
Một trong những thách thức lớn nhất mà hệ thống y tế Việt Nam phải đối mặt là tâm lý chống vaccine ngày càng lan rộng. Sau đại dịch COVID-19, nhiều người dân trở nên hoài nghi về hiệu quả và an toàn của vaccine. Đáng lo ngại, một bộ phận phụ huynh ở khu vực thành thị đang từ chối cho con mình tiêm vaccine sởi - rubella, một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi quay trở lại tại nhiều tỉnh, thành. Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn cung vaccine trong thời gian qua, đặc biệt là vaccine cúm, đã khiến nhiều người không thể tiếp cận được biện pháp phòng ngừa cần thiết. Hệ quả là Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc cúm mùa và các bệnh lây nhiễm khác, gây áp lực lớn lên các cơ sở y tế.
“Giải mã” bệnh lạ X
Ngày 17/12, Bộ Y tế Congo thông báo căn bệnh lạ X lan truyền tại khu vực Panzi thực chất là một dạng sốt rét nặng có triệu chứng như bệnh đường hô hấp, và trở nên nghiêm trọng hơn do suy dinh dưỡng, mất an ninh lương thực. Bộ trưởng Y tế Congo Roger Kamba chỉ ra nhiều trường hợp người bệnh và trẻ em tử vong do suy hô hấp, một số bị thiếu máu. Tổ chức WHO cho biết, tình trạng tiêm chủng thấp và khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế khiến dịch bệnh bùng phát phức tạp. Thuốc chống sốt rét đã được phân phối đến các trung tâm y tế và bệnh viện chính trong khu vực. Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh rằng mặc dù các mẫu xét nghiệm ban đầu đều dương tính với sốt rét, không thể loại trừ khả năng người bệnh nhiễm thêm các bệnh khác.
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc nâng cấp hệ thống y tế, nhưng Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc ứng phó với các dịch bệnh bùng phát. Ở khu vực nông thôn và miền núi, cơ sở vật chất y tế còn hạn chế, tỷ lệ nhân viên y tế trên đầu người thấp. Điều này khiến việc kiểm soát dịch bệnh tại những khu vực này trở nên khó khăn hơn, đặc biệt trong bối cảnh di chuyển liên tỉnh tăng cao. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến đầu tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Dịch bệnh mới có nguy cơ khiến hệ thống y tế thêm căng thẳng, làm giảm khả năng ứng phó khẩn cấp.
Biến đổi khí hậu cũng được coi là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam. Nhiệt độ tăng cao và lượng mưa bất thường đã tạo môi trường lý tưởng cho các loài muỗi mang mầm bệnh như sốt xuất huyết và Zika sinh sôi. Minh chứng là những tháng qua, cả nước đối mặt với sự gia tăng liên tục ca mắc sốt xuất huyết tại các thành phố lớn. Hà Nội ghi nhận hơn 600 ca sốt xuất huyết trong tuần cuối tháng 10, hơn 300 ổ dịch từ đầu năm. Đà Nẵng gần 2.000 ca và 140 ổ dịch. Tại TP HCM, từ đầu tháng 11/2024 đã có nhiều ổ dịch sốt xuất huyết mới được phát hiện, cảnh báo nguy cơ tiếp tục tăng vào cuối năm khi tình hình mưa bão phức tạp.
Sự bùng phát của dịch bệnh với diễn biến khó lường không chỉ là bài toán y tế mà còn là thử thách đối với khả năng quản lý và phối hợp của cả hệ thống. Việt Nam, dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, vẫn cần nỗ lực nhiều hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh, từ tăng cường tiêm chủng đến nâng cao năng lực hệ thống y tế. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đáng lo ngại, ngành Y tế ghi nhận, từ đầu năm đến nay, đã có 20.469 trường hợp nghi mắc sởi, trong đó 4.918 ca dương tính và 5 trường hợp tử vong. Đặc biệt, trong năm 2024, cả nước có 73 ca mắc đậu mùa khỉ (Mpox), chủ yếu tập trung ở TP HCM và các tỉnh miền Nam, cùng với 12 ca mắc bệnh than tại Điện Biên và Sơn La. Riêng bệnh cúm mùa, cả nước đã ghi nhận 264.830 ca, trong đó có 8 trường hợp tử vong tại Bình Định, Hà Nội, Khánh Hòa và Phú Yên, cho thấy tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Đỗ Trang
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/chu-dong-doi-pho-dich-benh-moi-noi-tai-noi-post536257.html