Chủ động, dự báo sát hơn yêu cầu lập pháp, tránh phát sinh những lỗ hổng mới

Chủ động, dự báo sát hơn yêu cầu lập pháp, tránh phát sinh những lỗ hổng mới
một giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tổ tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển
Đầu tư nguồn lực cho xây dựng pháp luật
ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhấn mạnh, mặc dù khối lượng văn bản pháp luật được ban hành thời gian qua rất lớn, nhưng cũng còn nhiều văn bản nợ, chậm ban hành. Đến ngày 7.10, Chính phủ vẫn nợ 17 văn bản quy định chi tiết các nội dung của 10 luật như: Luật Đấu thầu, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Viễn thông, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai...
"Đặc biệt là các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có đủ văn bản hướng dẫn thi hành. Qua phản ánh của nhiều địa phương thì các địa phương cũng chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền".
Bày tỏ hết sức quan ngại về tình trạng trên, đại biểu Trần Thị Vân nêu quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật Luật hết hiệu lực thi hành thì văn bản hướng dẫn Luật cũng hết hiệu lực thi hành. Vậy, các địa phương sẽ chỉ đạo, triển khai thực hiện các Luật trên theo văn bản hướng dẫn nào?
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tổ tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển
Đặt câu hỏi trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ ràng và có các giải pháp, trước hết là để đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, không để "lỗ hổng" pháp luật khi chưa kịp ban hành văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời có hiệu lực cùng với hiệu lực của Luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị Chính phủ cần chủ động hơn trong việc xác định các "điểm nghẽn" về thể chế đối với phát triển kinh tế - xã hội. Với những diễn biến nhanh, phức tạp của đời sống thực tiễn hiện nay, xây dựng pháp luật cũng phải cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp. Chính phủ phải chủ động nghiên cứu, đưa ra những dự báo sát tình hình hơn, tránh tình trạng khối lượng các dự án luật, nghị quyết phải xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cùng lúc quá nhiều, ùn ứ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, có thể phát sinh những kẽ hở mà sau này chúng ta lại phải lấp khoảng trống đó.
Đại biểu cũng đề nghị, cần phải đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật. Nên chăng xây dựng một Chương trình hoặc Đề án để nâng cao nguồn lực cho xây dựng pháp luật, trong đó có vấn đề nguồn lực con người.
Quang cảnh phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển
Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài
ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) tán thành ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc cần bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ giải pháp, mà trong Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập. Trong đó bao gồm nội dung có liên quan đến việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ đó tăng thêm mức độ tin cậy và uy tín cho các nhà đầu tư, cũng như các ngân hàng trong thời gian tới.
Cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bổ sung thêm nội dung về việc đẩy mạnh công tác xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý cũng như một số địa phương quản lý, đặc biệt là các dự án BOT đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc, bao gồm có tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam...
Ví dụ, tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang có liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Thành phố Lạng Sơn, đoạn Km45+100 đến Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 đến Km106+500, tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án này là dự án được thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thậm chí đặc biệt khó khăn. Nội dung này, theo kiến nghị của cử tri đã kiến nghị nhiều lần, gần đây nhất, ngày 13.8.2024, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã tiếp tục có thêm Báo cáo số 402/BC-UBND, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.
Qua tìm hiểu, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, các dự án đầu tư PPP nói chung, sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, ví dụ như: góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương nói riêng, cả nước nói chung, giảm thiểu tai nạn giao thông, lưu thông hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế…
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, luôn phát sinh những hạn chế, bất cập, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, bao gồm những nguyên nhân do một số bất cập từ cơ chế, chính sách. Hơn nữa, có những dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng sau một thời gian thực hiện, phương án tài chính bị thay đổi do những hạn chế, bất cập về phương án thu phí, về sụt giảm doanh thu, như: phát sinh tình huống bị phân chia lưu lượng, phát sinh các chính sách nhằm kiểm soát giá, giảm mức phí, các quy hoạch bị điều chỉnh hoặc lưu lượng xe không đạt như dự báo...
ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Do vậy, theo đại biểu Lưu Bá Mạc, rất cần thiết bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, với nội dung cần phải đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, đặc biệt là một số dự án BOT đã triển khai và đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc.
Trong đó cân nhắc giải pháp về việc sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả phần giảm doanh thu do nguyên nhân khách quan như Điều 69 Luật PPP hiện hành. Đồng thời có giải pháp cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được vượt mức 50% lên tối đa 70%, trong trường hợp qua các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn như đã áp dụng thí điểm đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28.11.2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Phạm Thúy
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/chu-dong-du-bao-sat-hon-yeu-cau-lap-phap-tranh-phat-sinh-nhung-lo-hong-moi-post394442.html