Cần kiểm soát hiện tượng đầu cơ, thổi giá bất động sản

Cần kiểm soát hiện tượng đầu cơ, thổi giá bất động sản
2 giờ trướcBài gốc
Một phiên đấu giá đất tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. (Ảnh: SƠN BÁCH)
Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, thị trường bất động sản hiện đang có nhiều dấu hiệu bất thường, thể hiện ở việc đầu cơ, thổi giá đất lên cao hơn nhiều lần giá trị thực tế.
Đầu cơ, thổi giá ngay cả trong… đấu giá đất công khai
Ngay trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội thông tin về tình hình triển khai Luật Đất đai 2024; trong đó có nêu thực trạng đáng lưu ý trong công tác đấu giá đất cũng như điều chỉnh bảng giá đất hiện nay.
Cụ thể, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại một số địa phương, việc đấu giá đất đã xuất hiện tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu thầu. Điều này đã tạo ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Qua rà soát, kiểm tra, cơ quan chức năng cho biết, bên cạnh nguyên nhân liên quan đến việc công khai quy hoạch, một số đối tượng tham gia đấu giá đã chủ động “đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá”. Nhóm này sau đó đã bán lại ngay đất vừa trúng đấu giá để thu lợi. Sau khi đấu giá, một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc gây dư luận không tốt tại một số địa phương.
Dẫn chứng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) vẫn còn 56/68 thửa đất trúng đấu giá chưa được nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế; Hoài Đức có 8/19 thửa đất trúng đấu giá chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan.
Qua rà soát, kiểm tra, cơ quan chức năng cho biết, bên cạnh nguyên nhân liên quan đến việc công khai quy hoạch, một số đối tượng tham gia đấu giá đã chủ động “đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá”. (Ảnh: SƠN BÁCH)
Về việc điều chỉnh bảng giá đất, thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, theo khoản 1, Điều 257 Luật Đất đai 2024: “Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng Bảng giá đất mới, áp dụng từ ngày 1/1/2026; qua đó “tránh cú sốc tăng giá đột biến”.
Tuy nhiên, khi tiến hành điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ thì sẽ xảy ra trường hợp giá đất trong Bảng giá đất sau khi điều chỉnh có chênh lệch lớn so với giá đất trong Bảng giá đất hiện hành.
Đặc biệt là tại các địa phương trong suốt giai đoạn 2021-2024 không điều chỉnh, hoặc không thường xuyên điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nay khi thực hiện điều chỉnh lại điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền phải thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ tăng cao.
Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn chứng, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tiến hành điều chỉnh Bảng giá đất. Theo dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh lần đầu đưa ra lấy ý kiến góp ý, giá đất tại một số khu vực đã có sự thay đổi lớn, tăng đột biến so với giá đất trong Bảng giá đất hiện hành.
Cần các biện pháp căn cơ
Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện thị trường bất động sản đang có nhiều điểm… bất bình thường. Nổi bật và dễ nhận thấy nhất là tính đầu cơ khá lớn, đẩy giá bất động sản lên cao hơn so với giá trị thực tế.
“Hiện có nhiều mục tiêu quản lý thị trường bất động sản nhưng theo tôi nên phải đặt mục tiêu giảm động cơ, đầu cơ, thao túng giá, thổi giá. Đấy là một trong những nội dung đặt ra để quản lý được thị trường bất động sản nhằm đưa thị trường này hoạt động một cách bình thường. Chúng ta cũng phải điều tiết thị trường bất động sản từ đất đai, nhà ở, các công trình bất động sản để đưa các tài sản này đến đúng địa chỉ có khả năng khai thác, sử dụng chứ không phải trở thành một công cụ phục vụ cho mục tiêu đầu cơ không tạo ra giá trị thực cho nền kinh tế”, ông Lâm nhấn mạnh.
Ông Lâm cho biết thêm hiện Quốc hội đang giám sát vấn đề thị trường bất động sản cũng như nhà ở xã hội, tới đây sẽ có đánh giá một cách tổng quát về tình hình phát triển của thị trường bất động sản cũng như việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội; từ đó sẽ có báo cáo đánh giá tổng thể các giải pháp một cách độc lập.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV.
Liên quan đến việc điều chỉnh bảng giá đất, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, khung giá đất mới đánh giá khung giá mới sẽ góp phần giải quyết được tình trạng một số dự án đầu tư công bị “đóng băng” liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi người dân không đồng ý với giá thu hồi theo bảng giá cũ. Có bảng giá đất mới, công tác này sẽ được thúc đẩy nhanh, thuận lợi và minh bạch hơn, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Về giải pháp căn cơ chung cho thị trường, ông Ngân khẳng định: “Đối với giá nhà đất hiện nay, trong thời gian tới đây những thể chế phải được hoàn thiện để kiểm soát việc đầu cơ, lũng đoạn thị trường bất động sản".
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng giá nhà đất liên quan chặt chẽ đến vấn đề đền bù giải tỏa. "Nếu như không đền bù theo giá thị trường, người dân rất thiệt thòi và họ sẽ không sẵn sàng hiến đất, hiến nhà cho những công trình, những mục tiêu của Nhà nước".
Mặc dù vậy, đại biểu cũng nhận định, cần xác định và phân biệt rõ nhu cầu để ở hay đầu cơ. “Tôi nghĩ là không có một chủ đầu tư nào mong muốn là giá nhà đất tăng nhanh và mạnh như vậy. Bởi vì tăng cao như vậy sẽ tăng suất đầu tư, rất khó bán và có thể sẽ khó có lợi nhuận. Niềm vui chỉ đến với những người đầu cơ. Do đó, phải xem lại chính sách thuế đối với những người sở hữu từ 2 bất động sản trở lên và mua đi bán lại như vậy liệu có là phù hợp hay không. Cần phải đánh thuế để hạn chế vấn đề này", đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị.
Cần đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội, nhà cho thuê
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, giá đất tăng cao sẽ ảnh hưởng tới người lao động; do đó cần đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận định: “Tôi thấy cần phải nghiên cứu, có nguồn vốn xây nhà ở xã hội, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội vì đây là vấn đề xã hội, tạo sự công bằng trong xã hội. Hiện giờ, quỹ đất không nhiều, nhưng nếu giải tỏa khu đất với những nhà lụp xụp, nhà cấp 4 để xây chung cư, qua đó tăng diện tích sử dụng. Nhưng rõ ràng là chúng ta đang tập trung quá lớn vào phân khúc nhà cao cấp cho đối tượng trung lưu, cho người có tiền, những người này thực tế lại không có nhiều trong xã hội".
SƠN BÁCH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/can-kiem-soat-hien-tuong-dau-co-thoi-gia-bat-dong-san-post838699.html