Chủ động, gần dân, chịu trách nhiệm trực tiếp

Chủ động, gần dân, chịu trách nhiệm trực tiếp
4 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, cũng cần có những phương án giao việc đúng người, đúng năng lực khi sắp tới, áp lực lên bộ máy cơ sở khá lớn khi một xã/phường có thể phải giải quyết hơn 400 thủ tục hành chính, tương đương với khối lượng công việc của cấp huyện trước đây.
Chiều 8/7, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại tổ về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2025 của TP Hà Nội và một số nội dung chuyên đề quan trọng trình tại kỳ họp. Thảo luận tại tổ, nhiều bí thư các xã, phường mới của Hà Nội đã chia sẻ thông tin sau một tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp…
Người dân được cán bộ phường hỗ trợ, phục vụ chu đáo trong những ngày đầu thực hiện chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Chiến Thắng
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Đảng ủy phường Đống Đa, với kinh nghiệm từng công tác trong cả hai mô hình - chính quyền địa phương ba cấp và nay là hai cấp, cá nhân ông nhận thấy sự chuyển đổi lần này là bước thay đổi rất căn bản. Với mô hình hai cấp, chính quyền xã, phường trở thành chính quyền hành động, kiến tạo và chịu trách nhiệm trực tiếp. Ông Việt cho biết, không khí làm việc tại cơ sở đã rất khác: “Chủ động hơn, trực tiếp hơn, việc tái lập HĐND phường cũng diễn ra suôn sẻ nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ Trung ương và Thành ủy Hà Nội, tạo cơ sở pháp lý cho chính quyền cơ sở tổ chức kỳ họp, phân bổ ngân sách và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội”. Bên cạnh thuận lợi, ông Việt cũng thẳng thắn nêu một số khó khăn phát sinh từ thực tiễn. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề thiếu hụt nhân lực chuyên môn sâu khi quận phải chia nhỏ đầu mối, phân bổ về nhiều phường.
“Một phòng chuyên môn như tài chính – kế hoạch, kinh tế – hạ tầng… nay phải hỗ trợ 5-7 phường thì lực lượng chắc chắn không thể dàn đều. Nhiều cán bộ phường nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch xã nay được phân công làm chuyên viên nhưng chưa có chuyên môn sâu về các lĩnh vực đặc thù như tài chính, đầu tư, quy hoạch, giải phóng mặt bằng…”, Bí thư Đảng ủy phường Đống Đa nói. Ông Việt kiến nghị TP và các sở, ngành sớm tổ chức tập huấn chuyên đề cho đội ngũ cán bộ cơ sở, đồng thời có chỉ đạo cụ thể về cách phối hợp giữa phòng chuyên môn và phường nhằm đảm bảo vận hành thông suốt mô hình mới. Nhận xét bộ máy chính quyền theo mô hình mới vận hành trơn tru, nhưng Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thắng Hoàng Anh Tuấn cũng thẳng thắn, còn một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm xử lý. Ông Tuấn cho hay, khung bộ máy hiện nay có sự kết hợp giữa cán bộ quận, huyện về tham gia lãnh đạo, quản lý ở xã-phường mới và cán bộ tại chỗ của xã.
“Đội ngũ cán bộ được tăng cường từ quận, huyện có chuyên môn, trình độ và phong cách làm việc bài bản hơn, nhưng lại chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc trực tiếp với người dân. Trong khi đó, cán bộ cấp xã trước đây thường xuyên bám sát cơ sở, giải quyết công việc hằng ngày liên quan trực tiếp đến người dân, từ hành chính đến đời sống, văn hóa, xã hội”, ông Tuấn phân tích và cho rằng, sự khác biệt này tạo ra khoảng cách nhất định trong cách thức xử lý công việc. Cán bộ cấp huyện về có thể giỏi chuyên môn, nhưng thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống sát dân; trong khi cán bộ xã tuy gần dân nhưng còn hạn chế về trình độ, kỹ năng tổng hợp. “Do đó, việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp hành chính cho cán bộ xã/phường là yêu cầu rất cấp thiết hiện nay. Cũng cần có cơ chế rõ ràng trong việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt ở cơ sở, như vị trí trưởng thôn hay bí thư chi bộ ở thôn. Phải lựa chọn người có năng lực, có trình độ, am hiểu địa bàn...”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng băn khoăn, sắp tới, một xã, phường có thể phải giải quyết hơn 400 thủ tục hành chính, tương đương với khối lượng công việc của cấp huyện trước đây. Như vậy, áp lực lên bộ máy cơ sở là rất lớn. Do đó, cần giao rõ quyền, đúng người, đúng việc, phân cấp phải đi kèm với trách nhiệm và nguồn lực. Phải rà soát kỹ lưỡng thủ tục nào xã, phường mới đủ điều kiện thực hiện thì mạnh dạn giao, còn chưa đủ điều kiện thì vẫn ủy quyền có lộ trình, tránh gây quá tải, ách tắc cho cơ sở. Theo ông Tuấn, việc bàn giao các dự án, công trình từ cấp huyện về cho xã, phường thực hiện vừa qua được triển khai rất kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, đề nghị TP đẩy nhanh phân cấp về quản lý nguồn thu, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất.
“Nếu xã/phường được giao chủ động tổ chức đấu giá đất, thì đây sẽ là động lực lớn để tăng thu, tăng đầu tư phát triển. Khi đó, địa phương mới có thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị, phục vụ trực tiếp cho người dân”, ông Tuấn nêu ý kiến. Vị đại biểu này cũng đề nghị TP sớm cụ thể hóa 28 nghị định của Chính phủ liên quan đến bộ máy chính quyền hai cấp. Đây là những quy định rất quan trọng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là tổ chức, biên chế, tài chính, đầu tư công… Địa phương rất mong sớm có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với thực tiễn từng quận, huyện, xã, phường để triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Chi Linh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/xa-hoi/chu-dong-gan-dan-chiu-trach-nhiem-truc-tiep-i774126/