Sáng 9-7, kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã tiến hành tái chất vấn đối với các dự án chậm tiến độ trên địa bàn, trong đó nổi bật là Dự án Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn – nơi nhiều lần được đưa ra thảo luận tại các kỳ họp trước.
Nhà đầu tư chậm triển khai dự án, thành phố có giải pháp gì?
Tại phiên chất vấn, đại biểu Vũ Ngọc Anh đề nghị Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu công nghệ cao TP Hà Nội thông tin về việc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng DĐK không thực hiện nghĩa vụ tài chính để chi trả công tác giải phóng mặt bằng tại Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, thuộc địa bàn xã Kim Anh mới.
Theo ông Anh, hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Ông đặt vấn đề trách nhiệm của Ban trong thẩm định năng lực tài chính cũng như giám sát quá trình thực hiện cam kết của nhà đầu tư.
Đại biểu Vũ Ngọc Anh.
“Thành phố sẽ áp dụng biện pháp gì với nhà đầu tư vi phạm? Có tính đến phương án thay thế để cứu dự án hay không?”, ông đặt câu hỏi.
Đại biểu cũng đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thành phố có kế hoạch tổng thể nào để đánh giá lại toàn bộ quy trình đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, nhằm rút ngắn thủ tục, tránh xử lý manh mún từng trường hợp hay không.
Trả lời chất vấn, ông Vũ Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu công nghệ cao TP Hà Nội, cho biết việc thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội.
Ông Vũ Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu công nghệ cao TP Hà Nội.
Dự án KCN sạch Sóc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 4-2021. Các bộ chuyên ngành đã có đánh giá về năng lực tài chính nhà đầu tư trong quá trình thẩm định.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Ban Quản lý thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan để đôn đốc tiến độ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. “Dù nhà đầu tư nhiều lần cam kết bố trí kinh phí nhưng đến nay vẫn không thực hiện, khiến huyện Sóc Sơn gặp nhiều khó khăn và phải tạm dừng một số bước triển khai theo quy định” – ông Hùng nêu.
Tháng 5-2025, huyện Sóc Sơn đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên diện tích gần 60.000 m² với tổng kinh phí hơn 42 tỉ đồng. Thế nhưng, chủ đầu tư vẫn không bố trí vốn thực hiện.
Theo ông Hùng, trước tình trạng này, Ban đã kiến nghị và Sở KH&ĐT đã ra quyết định xử phạt hành chính 60 triệu đồng đối với Công ty DĐK vào tháng 10-2024. Tuy nhiên, vi phạm vẫn tiếp diễn.
Sẽ tham mưu thu hồi dự án
Về giải pháp thời gian tới, ông Hùng cho biết Ban Quản lý sẽ tiếp tục làm việc, yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các cam kết. Trong trường hợp tiếp tục chậm trễ, Ban sẽ rà soát lại toàn bộ hồ sơ, căn cứ Điều 47 Luật Đầu tư để tham mưu UBND TP thu hồi một phần dự án.
“Nếu nhà đầu tư vẫn không bố trí kinh phí như cam kết, chúng tôi sẽ báo cáo UBND TP xem xét chấm dứt toàn bộ dự án theo Điều 48 Luật Đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư mới có đủ năng lực để triển khai tiếp”, ông Hùng khẳng định.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh quan điểm nhất quán của thành phố là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư thiếu hợp tác, chậm trễ kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trọng điểm, thành phố sẽ có lộ trình xử lý rõ ràng.
Ông Tuấn đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền – người trực tiếp phụ trách lĩnh vực này – làm rõ thêm trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như giải pháp tổng thể để cải thiện môi trường đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Tham gia trả lời, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết đây là dự án quan trọng, đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương từ năm 2021. Trong quá trình triển khai, UBND TP đã nhiều lần chỉ đạo tháo gỡ, trong đó cá nhân ông đã chủ trì 5 cuộc họp, ban hành 5 văn bản chỉ đạo để hỗ trợ nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhà đầu tư có dấu hiệu khó khăn về tài chính, nhất là trong việc bố trí vốn giải phóng mặt bằng. UBND TP đã chỉ đạo đánh giá lại toàn diện năng lực nhà đầu tư, đồng thời yêu cầu đưa ra giải pháp khắc phục, bao gồm huy động nguồn lực, hợp tác thêm nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.
“Thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho nhà đầu tư khắc phục, nhưng nếu không có khả năng thực hiện cam kết, TP sẽ kiên quyết xử lý theo quy định, kể cả việc thu hồi dự án và lựa chọn nhà đầu tư thay thế”, ông Quyền nói.
Theo ông, đây là thông điệp rõ ràng về tinh thần đồng hành với doanh nghiệp nhưng cũng cương quyết xử lý những trường hợp làm chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công và niềm tin của người dân.
Trọng Phú