Phiên chất vấn sáng 9-7 tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội đã nóng lên với hàng loạt vấn đề bức thiết liên quan đến an toàn thực phẩm, từ thức ăn đường phố kém vệ sinh, thực phẩm chức năng giả đến những bất cập trong giám sát bữa ăn học đường.
Đại diện các sở, ngành cùng lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã trả lời các chất vấn, đề xuất nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý, bảo vệ sức khỏe người dân.
Hình ảnh gây sốc từ… nước dùng có ấu trùng
Tại phiên chất vấn, đại biểu Duy Hoàng Dương dẫn lại hình ảnh “gây bức xúc” từ một phóng sự truyền hình vừa phát sóng khi nước dùng tại một hàng ăn vỉa hè chứa ấu trùng. Ông cho rằng đây là hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng mất vệ sinh trong thức ăn đường phố, vốn đang diễn ra ở nhiều khu vực Hà Nội.
Không chỉ vậy, ông Dương cũng chỉ ra tình trạng thiếu giám sát trong khâu sơ chế, nhiều nhân viên chưa tuân thủ quy định vệ sinh cá nhân, công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn bất cập. “Trách nhiệm của ngành y tế ở đâu?” - ông đặt câu hỏi thẳng thắn với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội.
Đại biểu Duy Hoàng Dương tại phiên chất vấn sáng 9-7.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương đặt vấn đề Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế, một phần nhờ vào văn hóa ẩm thực đường phố. Thế nhưng nhiều món ăn đặc sản lại đang bị đe dọa bởi thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu hết hạn, vi phạm quy định an toàn.
“Chúng ta không thể để vài gánh hàng rong làm ảnh hưởng đến thương hiệu ẩm thực của Thủ đô” - bà Hương nói, đồng thời đề nghị UBND TP công bố kế hoạch nâng chuẩn thức ăn đường phố, kết hợp gìn giữ bản sắc và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Còn đại biểu Nguyễn Bích Thủy tỏ ra lo ngại khi thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến sữa giả, thực phẩm chức năng vi phạm.
“Các sản phẩm này nhắm vào nhóm dễ tổn thương như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai. Vi phạm này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đe dọa sức khỏe giống nòi” - bà Thủy cảnh báo và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Sở Y tế trong kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm, đưa ra giải pháp căn cơ để ngăn chặn các sản phẩm “bẩn” lọt ra thị trường.
Siết giám sát, xử lý tận gốc
Trả lời các nội dung trên, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện toàn TP có khoảng 3.500 bếp ăn tập thể, gần 7.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Trong sáu tháng đầu năm 2025, ngành y tế đã tiến hành hơn 4.200 lượt kiểm tra, xử phạt 68 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 2,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Hưng thừa nhận vẫn còn nhiều tồn tại như hơn 70% điểm bán hàng rong quanh trường học không xuất trình được nguồn gốc thực phẩm; gần 2% nhân viên phục vụ chưa được đào tạo kiến thức về an toàn thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhận thức hạn chế của người bán, mô hình kinh doanh nhỏ lẻ phân tán, và thiếu nhân lực quản lý ở cấp cơ sở.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội.
Để khắc phục, ngành y tế đề xuất sáu nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó đáng chú ý là tăng cường kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm, đình chỉ cơ sở vi phạm, ứng dụng công nghệ, lắp camera giám sát tại các bếp ăn tập thể, khu phố ẩm thực. Đồng thời, triển khai chương trình truyền thông “Học sinh Thủ đô nói không với thức ăn không an toàn”, phân rõ trách nhiệm chính quyền cơ sở trong giám sát hàng rong quanh trường học.
TP cũng đã kiểm soát mạnh mẽ hơn đối với thực phẩm tự công bố chất lượng và chống quảng cáo sai lệch. “Chỉ trong giai đoạn 2023–2025, đã có 35 vụ vi phạm trong nhóm này, số tiền xử phạt hơn 1 tỉ đồng” - ông Hưng nói.
Ngành y tế cũng đề xuất sửa đổi Nghị định 15/2018 để siết quy trình tự công bố, tăng chế tài xử phạt và công khai danh sách vi phạm. Đồng thời, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về nguồn gốc thực phẩm và phát động chiến dịch “Nói không với sữa giả, thực phẩm chức năng giả”.
Tham gia trả lời nội dung này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức thông tin trong sáu tháng đầu năm 2025, đơn vị đã kiểm tra 185 vụ việc liên quan đến thực phẩm vi phạm trên mạng, xử phạt 2 tỉ đồng. Ngoài ra, từ 2021 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 2.637 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, với số tiền xử phạt lên tới 42,6 tỉ đồng.
“Chúng tôi đã ban hành kế hoạch riêng để tăng cường kiểm tra thực phẩm kinh doanh online. Đây là mặt trận mới, không thể buông lỏng” - ông Đức nhấn mạnh.
Sẽ siết nguồn thực phẩm từ các tỉnh thành về Hà Nội
Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết TP đã tiếp thu 16 ý kiến chất vấn, tập trung vào tám nhóm nội dung lớn.
Theo bà Hà, dù đã triển khai hàng loạt chương trình như xây dựng tuyến phố ẩm thực an toàn, kiểm soát bữa ăn học đường… nhưng thực tế vẫn cho thấy nhiều lỗ hổng cần khắc phục.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại phiên chất vấn.
“UBND TP Hà Nội đang đề xuất thí điểm mô hình bữa ăn bán trú tập trung tại trường học, kiểm soát toàn bộ chuỗi từ nguyên liệu, chế biến đến dinh dưỡng theo độ tuổi. Song song, TP cũng đang xem xét triển khai mô hình bữa ăn bệnh viện, khu phố ẩm thực kết hợp văn hóa-thương mại” - bà Hà thông tin.
TP cũng kiến nghị sửa đổi quy định hiện hành để tăng quyền kiểm tra của địa phương, siết thực phẩm từ các tỉnh tuồn về Hà Nội.
“Chúng tôi rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của người dân Thủ đô. Mỗi người dân cần nói không với thực phẩm bẩn, lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, cùng xây dựng một Hà Nội an toàn, văn minh, đáng sống” - bà Vũ Thu Hà nói.
Trọng Phú