Người dân tiêm phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai. Ảnh: K.Liễu
Giải pháp được ngành y tế đưa ra là người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, thực hiện tiêm chủng đầy đủ và tuân thủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe để góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng; đừng quá hoang mang trước dịch bệnh, nhưng cũng không nên lơ là, chủ quan.
Cần gia tăng biện pháp phòng ngừa
Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tử vong do chó dại cắn xảy ra tại huyện Long Thành. Đó là trường hợp của bà N.T.N (49 tuổi, xã Phước Thái, huyện Long Thành) tử vong trong tháng 2-2025 do bệnh dại sau 9 tháng bị chó nhà cắn nhưng không tiêm phòng. Trước đó, trong tháng 1-2025 một người đàn ông tại xã Phước Bình, huyện Long Thành, cũng tử vong sau khi bị chó nghi dại cắn và không tiêm vaccine phòng bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (thuộc Sở Y tế), từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận có 4 trẻ tử vong do bệnh sởi, điểm chung của các em là chưa tiêm vaccine có thành phần sởi. Trong đó, mới nhất là trường hợp của bé Đ.T.Q. (19 tháng tuổi, ngụ phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa). Người nhà của bé Q. cho biết bé chưa được tiêm vaccine có thành phần sởi do thời điểm trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng vaccine trẻ bị ốm nên chưa tiêm. Đến đợt tiêm chiến dịch, bé đã mắc bệnh và nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Dù bệnh dại, sởi đã có vaccine phòng bệnh nhưng do sự chủ quan không đi tiêm vaccine phòng bệnh kịp thời dẫn đến những trường hợp tử vong đáng tiếc nêu trên. Việc gia tăng biện pháp phòng bệnh, trong đó có giải pháp tiêm vaccine là cần thiết, tuy nhiên theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người dân cũng đừng quá hoang mang với dịch bệnh. Người dân cần chú ý về lịch tiêm vaccine và tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế để đạt kết quả phòng bệnh cao nhất.
Gần đây, do quá lo ngại trước thông tin về diễn biến dịch cúm mùa tại miền Bắc đang gia tăng, rất nhiều người dân trong tỉnh đã đổ xô đi tiêm vaccine ngừa cúm mùa tại các cơ sở y tế, dẫn đến nhiều nơi quá tải; mặc dù đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện trong tỉnh chưa ghi nhận có trường hợp bệnh cúm nặng, mà bệnh nhân chỉ bị cúm nhẹ, chủ yếu khám, điều trị ngoại trú.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, do đặc thù khí hậu nước ta là nhiệt đới nên virus cúm có thể xuất hiện quanh năm. Bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông - xuân, do đó cần tiêm vaccine phòng cúm hàng năm. Thời điểm thích hợp để tiêm vaccine cúm là khoảng 2 tuần đến 1 tháng trước khi đến mùa dịch bệnh.
“Sau khi tiêm vaccine, cơ thể thường mất khoảng 2-4 tuần để sản sinh ra lượng kháng thể cần thiết. Vì vậy, cần chủ động tiêm vaccine sớm, tiêm đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo để tạo miễn dịch tốt nhất, hạn chế bỏ lỡ lịch tiêm hoặc để bùng dịch mới đi tiêm sẽ không kịp để vaccine phát huy khả năng bảo vệ tốt nhất” - bác sĩ Phan Văn Phúc lưu ý.
Hiện nay, bệnh cúm, sởi, sốt xuất huyết, dại đã có vaccine phòng bệnh. Người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của bác sĩ. Riêng vaccine sởi, Đồng Nai vừa được Bộ Y tế phân bổ hơn 11,5 ngàn liều vaccine để triển khai tiêm cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi. dự kiến sẽ triển khai tiêm vaccine sởi cho nhóm đối tượng trên vào đầu tháng 3-2025.
Không hoang mang nhưng cũng không lơ là, chủ quan
Một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất là nên tiêm phòng vaccine đầy đủ. Bên cạnh đó, ngành y tế còn khuyến cáo người dân cần tuân thủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe để góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 3,5 ngàn ca mắc bệnh sởi. Sau chiến dịch tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi, có khoảng 120 ngàn đối tượng đã được tiêm vaccine sởi với tổng số 127,5 ngàn liều. Hiện nay, số ca mắc bệnh sởi có xu hướng giảm với trung bình khoảng 50 ca/ngày.
“Số ca bệnh sởi nặng cũng giảm, bệnh sởi tuy được kiểm soát tốt, không bùng phát lại nhưng có thể kéo dài khoảng vài tháng nữa nên người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động cho trẻ” - bác sĩ Phan Văn Phúc lưu ý.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết từ sau Tết Ất Tỵ 2025, số trẻ mắc sởi nhập viện điều trị giảm mạnh, rất ít ca trở nặng. Với trẻ đã được tiêm phòng sởi tỷ lệ mắc bệnh ít, khi mắc cũng chỉ bị nhẹ. “Hiện số ca mắc sởi giảm hơn 5 lần so với thời điểm cuối năm 2024 với hơn 40 trẻ đang điều trị nội trú. Trước Tết, mỗi ngày có khoảng 30 trẻ phải thở oxy, thở máy thì nay chỉ còn một ca nặng” - bác sĩ Quyền chia sẻ.
Ngành y tế Đồng Nai vẫn đang chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa các bệnh đường hô hấp nói riêng, bệnh truyền nhiễm nói chung. Riêng bệnh dại vẫn là mối đe dọa lớn khi nhiều ca bệnh được ghi nhận do bị chó, mèo cắn, liếm vết thương hở nhưng không được tiêm phòng kịp thời.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên 100% bệnh nhân đã lên cơn dại đều tử vong. Do đó, việc phòng bệnh dại cực kỳ quan trọng, người dân nên chủ động tiêm ngừa sau khi bị chó, mèo cào, cắn. Đồng thời, tiêm vaccine phòng bệnh dại cho tất cả chó, mèo nuôi đủ mũi, đủ liều. Khi bị chó, mèo cắn, việc quan trọng đầu tiên là rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, rửa vết thương bằng nước, sau đó sát trùng vết thương bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn; không băng kín vết thương và hạn chế làm giập vết thương…
Phòng, chống bệnh cúm
Để phòng, chống bệnh cúm, người dân cần thực hiện các biện pháp sau: che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Đồng thời, đeo khẩu trang tại nơi tập đông người, nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Đặc biệt, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tiêm vaccine phòng bệnh, thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Kim Liễu