Cán bộ y tế tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ ở thành phố Yên Bái.
Tìm hiểu được biết, bệnh viêm não Nhật Bản làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm: sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau (vật vã mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt), tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10 - 20%. Khi thấy có dấu hiệu sốt cao cùng các triệu chứng nghi ngờ tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời và bệnh sẽ có kết quả điều trị tốt nếu phát hiện và điều trị sớm.
Ngay trước thời điểm "mùa” viêm não Nhật Bản, ngành y tế đã tăng cường đôn đốc các y tế cơ sở chú trọng công tác giám sát vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của viêm não Nhật Bản, đặc biệt là những ổ dịch cũ để phát hiện sớm bệnh nhân. Đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh, phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản đúng tuổi và đủ mũi...
Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng có khí hậu nhiệt đới, lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng truyền; trong đó, có các bệnh viêm não vi rút do côn trùng truyền bệnh phát triển. Các căn nguyên gây viêm não thường là các vi rút Arbo, trong đó có vi rút viêm não Nhật Bản, vi rút herpes, các vi rút đường ruột như: EV71 gây bệnh tay - chân - miệng, sởi, quai bị… Hiện nay, viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10 - 15% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút.
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm não Nhật Bản, không để dịch bùng phát, lan rộng trong cộng đồng, nhất là hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong. Bác sĩ Chuyên khoa II Lại Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: "Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã tham mưu cho sở các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh để triển khai khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch không để dịch lây lan trong cộng đồng. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân loại bỏ các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, triển khai và duy trì thường xuyên chiến dịch vệ sinh môi trường. Cùng đó, tổ chức tiêm vắc-xin phòng, bệnh viêm não Nhật Bản đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ theo quy định, đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản toàn tỉnh đạt 95,2%, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, để có biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp, giải quyết các khó khăn vướng mắc cần tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm não vi rút, viêm não Nhật Bản”.
Trên cơ sở đó, công tác xét nghiệm được Trung tâm chú trọng phát triển các kỹ thuật cao để chẩn đoán nhanh, chính xác các bệnh truyền nhiễm gây dịch, trong đó, có chẩn đoán vi rút viêm não Nhật Bản. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế triển khai rộng rãi tiêm phòng các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm cho nhân dân, đặc biệt là tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho trẻ em dưới 1 tuổi, đưa vắc-xin viêm não Nhật Bản vào tiêm chủng thường xuyên tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy; nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Nếu có các dấu hiệu sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương: co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê… phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản người dân cần thực hiện các biện pháp sau: đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: mũi 1 (tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi); mũi 2 (sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần); mũi 3 (sau mũi 2 là 1 năm), sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Trần Minh