Chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến học sinh

Chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến học sinh
6 giờ trướcBài gốc
Thầy Trần Văn Thế-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (huyện Krông Pa) cho biết: Ngoài tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt đầu tuần, nhà trường còn phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện) tuyên truyền trực tiếp cho học sinh các quy định của pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) nhằm giúp các em nâng cao nhận thức và phòng ngừa tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, nhà trường còn yêu cầu phụ huynh thực hiện ký cam kết về việc giáo dục ATGT cho con em mình.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông (Công an huyện Phú Thiện) tăng cường kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Ảnh: M.P
“Mới đây, nhà trường còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thi tuyên truyền Luật Trật tự ATGT đường bộ năm 2024. Hội thi nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về giao thông và giúp các em hình thành văn hóa giao thông”-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho hay.
Anh L.N.D. (thị trấn Phú Túc) có con đang học lớp 10. Anh cho hay: Đầu năm học, nhà trường tổ chức cho phụ huynh ký cam kết không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông.
Do không có nhiều thời gian đưa đón nên gia đình mua cho cháu chiếc xe máy có dung tích dưới 50 cm3. Tuy nhiên, theo tuổi quy định, con tôi hết tháng này mới đủ điều kiện điều khiển phương tiện nên đến giờ tôi chưa dám giao xe cho cháu.
Đại úy Trần Đức Anh-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Krông Pa) thông tin: Ngay từ đầu năm học 2024-2025, Công an huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho 5.124 giáo viên, phụ huynh, học sinh ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Từ đầu tháng 10 đến nay, Công an huyện tiếp tục tổ chức 15 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT tại các trường học với 7.489 học sinh, giáo viên tham gia; kiểm tra, xử lý 13 trường hợp học sinh vi phạm các quy định về ATGT.
“Chúng tôi cũng tiến hành rà soát và yêu cầu 10 hộ dân sống xung quanh khu vực trường học ký cam kết không trông giữ phương tiện mô tô phân khối lớn của học sinh.
Đây là việc làm cần thiết nhằm cộng đồng trách nhiệm giữa lực lượng chức năng và người dân trong phòng tránh, ngăn ngừa tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh”-Đại úy Trần Đức Anh nhấn mạnh.
Từ đầu tháng 10 đến nay, Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an TP. Pleiku) đã phát hiện, xử lý 63 trường hợp vi phạm liên quan đến lứa tuổi học sinh; tạm giữ 21 xe gắn máy, 42 giấy tờ các loại.
Ngoài ra, Đội còn tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại 16 trường học trên địa bàn với sự tham gia của 15.780 lượt giáo viên, học sinh; phát 1.600 tờ rơi tuyên truyền và ra mắt 3 mô hình “Cổng trường ATGT”.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Phú Thiện) tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông tại trường học. Ảnh: M.P
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự thành phố và Công an các xã, phường tổ chức ra quân, rà soát và yêu cầu tất cả hộ dân sống xung quanh các trường THCS, THPT ký cam kết không trông giữ xe phân khối lớn cho học sinh. Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Khánh-Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an TP. Pleiku) cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các hộ nhận trông giữ xe cho học sinh quanh trường học để tạo chuyển biến trong nhận thức nhằm hướng tới mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến học sinh”.
Mới đây, Ban ATGT tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyên đề số 110/KH-BATGT về thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
Theo ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai, Ban đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các nội dung trọng tâm như: cấm giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện; hậu quả và trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm này.
Đặc biệt, tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm; xây dựng mô hình thí điểm kết hợp gia đình-nhà trường-xã hội về “Nói không với việc giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông”.
MINH PHƯƠNG
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/chu-dong-phong-ngua-tai-nan-giao-thong-lien-quan-den-hoc-sinh-post297963.html