Tận dụng ưu đãi từ các FTA
Biến động tình hình kinh tế - chính trị thế giới khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, trong đó có Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE (sở hữu thương hiệu Miss Ede) gặp khó. Không bị động ngồi chờ thị trường, doanh nghiệp chủ động tiếp cận các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có thị trường Hàn Quốc để tận dụng ưu đãi thuế quan. Cà phê cũng là một trong bốn mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA tốt nhất với con số 94,54%.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Danh Hữu - Giám đốc điều hành EDE cho biết: “3.600 gói cà phê Miss Ede Vietnam Robusta lên đường tới Hàn Quốc sau khi các chuyên gia nếm thử và hoàn tất các công đoạn cuối cùng. Không chỉ dừng ở việc đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm mà chúng tôi còn mang đến cho người tiêu dùng những gói cà phê Miss Ede chất lượng ổn định qua các lô khác nhau dựa trên bảng điểm hương vị theo tiêu chuẩn SCA – Hiệp hội Cà phê hảo hạng”.
4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê đạt 3,78 tỷ USD, tăng 51,1%. Ảnh minh họa
Theo ông Hoàng Danh Hữu, có thể xu hướng tiêu dùng tại thị trường Hàn Quốc khác với thị trường Hoa Kỳ, EU,… nhưng các sản phẩm nông sản Việt Nam nói chung và cà phê nói riêng sẽ có những ngách riêng tại thị trường này nếu chúng ta tận dụng được lợi thế vùng trồng cà phê rộng lớn, có chi phí hợp lý và không có rào cản thuế quan. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu giúp doanh nghiệp không bị động so với việc “bỏ trứng vào một giỏ”.
Cùng với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cũng đang tập trung vào thị trường nội địa để đảm bảo mức độ an toàn cũng như dòng lợi nhuận. Bởi dù có xuất khẩu đi nước ngoài bằng nhãn hàng riêng thì biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp cũng không đủ lớn như tại thị trường bán lẻ nội địa.
“Do là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù đã xuất khẩu được bằng bao bì và nhãn hàng riêng của mình nhưng để người tiêu dùng nước bạn chấp nhận sản phẩm mới thì doanh nghiệp cũng phải bỏ nhiều chi phí để triển khai các chương trình bán hàng, marketing”, ông Hoàng Danh Hữu thông tin.
Sau khi các chuyên gia nếm thử và hoàn tất các công đoạn cuối cùng, 3.600 gói cà phê Miss Ede Vietnam Robusta lên đường tới Hàn Quốc. Ảnh: Danh Hữu
Trong lĩnh vực dệt may, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, hiện doanh nghiệp đang chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Doanh nghiệp đang đàm phán với đối tác EU để gia tăng thêm đơn hàng trong thời gian tới. Tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc xuất xứ cơ bản đã được đáp ứng, doanh nghiệp kỳ vọng sức mua tại thị trường EU sẽ tăng trở lại sau thời gian đứng ở mức thấp.
Tăng tốc chuyển đổi mô hình cạnh tranh từ lượng sang chất
Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong tháng 4/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,45 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng 3, chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 6%. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13%. Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh thương mại.
Còn trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tháng 4/2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,47 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tất cả các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành lên con số 21,15 tỷ USD, tăng 10,7%.
Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 11,6 tỷ USD, tăng 11,7%; xuất khẩu lâm sản đạt 5,56 tỷ USD, tăng 11,2%; xuất khẩu thủy sản đạt 3,09 tỷ USD, tăng 13,7%; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 178 triệu USD, tăng 16,8%; xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 722 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
4 tháng đầu năm, có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 2 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Trong bức tranh sáng – tối của thị trường xuất khẩu, tín hiệu vui khi mới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) có thông báo, phía Hoa Kỳ chấp thuận 3 mã vùng trồng vải thiều của tỉnh xuất khẩu vào thị trường này, đưa tổng số mã vùng trồng xuất khẩu của toàn tỉnh lên hơn 240 mã với gần 18 nghìn ha.
Được phía Hoa Kỳ chấp thuận mã số vùng trồng mở ra cơ hội cho vải thiều xuất khẩu sang thị trường cao cấp, nâng giá trị thương hiệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong chiến lược đưa vải thiều vươn xa trên thị trường quốc tế.
Dù thị trường vẫn đang có nhưng ‘'rung lắc’' nhất định, tuy nhiên, với sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp, sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông, lâm, thủy sản nói riêng sẽ về đích.
Biến động từ thị trường xuất khẩu là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp “sốc” lại mình. Đây chính là thời điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần thực sự nghiêm túc trong việc tăng tốc chuyển đổi mô hình cạnh tranh từ giá rẻ sang chất lượng, bền vững và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, đầu tư vào tiêu chuẩn khắt khe mà các thị trường yêu cầu để gia tăng niềm tin từ người tiêu dùng tại chính thị trường xuất khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 4 tháng đầu năm 2025, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 2 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Nguyễn Hạnh