Đặc biệt, chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, dự kiến áp dụng từ ngày 9/7/2025 sau thời gian hoãn 90 ngày, buộc các DN xuất khẩu cân nhắc để có những quyết sách ứng phó phù hợp.
Doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng áp lực
Là một DN chuyên xuất khẩu tôm hùm, cua và ốc hương tại thị trường Mỹ, chia sẻ cùng VnBusiness, ông Nguyễn Thế Phong đại diện Công ty xuất nhập khẩu Vinsea – cho hay thủy sản tươi sống có nhiều điểm hạn chế không như các mặt hàng trữ đông khác. Do đó, thời điểm tháng Tư và bước sang những ngày đầu của tháng 5, đơn đặt hàng từ thị trường Mỹ đã giảm rõ rệt. “Thời điểm này so với cùng kỳ năm trước, sức mua đã giảm khoảng 20-30%” – ông Phong chia sẻ.
Ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với thách thức kép từ thuế quan và cạnh tranh quốc tế.
Để duy trì đơn hàng và “giữ khách”, ông Nguyễn Thế Phong cho hay DN chủ động điều tiết về giá xuất bán, giảm lợi nhuận trong từng mặt hàng. Đơn cử, với mặt hàng cua gạch, ốc hương kể từ thời điểm sau Tết Nguyên đán 2025, hai mặt hàng này đã có mức giá thu mua khá cao nhưng khi xuất bán tại thị trường Mỹ, DN vẫn cố gắng giữ mức giá ổn định.
“Dù giá cước vận chuyển tại thị trường Mỹ không thay đổi, nhưng trước những biến động về giá và tăng thuế nhập khẩu (mức thuế 10% có hiệu lực từ ngày 5/4), thì lợi nhuận của DN đã và đang bị giảm khá nhiều. Nếu thời gian tới, thuế nhập khẩu tại thị trường này tiếp tục tăng cao thì các DN thủy sản chắc chắn sẽ đối diện thêm nhiều khó khăn. Thời điểm này, DN đồng thời tìm kiếm các thị trường khác ngoài Mỹ như một số nước châu Á và thị trường châu Âu” – ông Nguyễn Thế Phong nói thêm.
Được biết, những khó khăn được đại diện Vinsea chia sẻ cũng là nỗi lo chung của hàng trăm DN xuất khẩu thủy sản thời điểm này. Để đối phó, nhiều doanh nghiệp đang tái cơ cấu chiến lược, chuyển hướng sang các thị trường ít rủi ro như Brazil, Mexico, và Trung Đông, đồng thời phát triển sản phẩm chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng.
Với nhà nhập khẩu Mỹ, trước bối cảnh chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, dự kiến áp dụng từ ngày 9/7/2025 sau thời gian hoãn 90 ngày, buộc các nhà nhập khẩu cân nhắc chuyển sang nguồn cung từ Ấn Độ và Ecuador, nơi thuế thấp hơn. Trong khi đó, với các DN xuất khẩu ở Việt Nam, ngoài áp lực tăng thuế, các rào cản kỹ thuật như yêu cầu truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm càng làm tăng áp lực lên doanh nghiệp Việt Nam.
Đối mặt với thách thức kép từ thuế quan và cạnh tranh quốc tế
Dù vậy, tín hiệu từ thị trường cho thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng tôm và cá tra đang cho thấy nếu sản phẩm thủy sản của Việt Nam đi đúng hướng thì việc đạt mục tiêu đề ra không phải là xa vời, bất chấp những khó khăn về thị trường và câu chuyện thuế đối ứng.
Theo Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024.
Riêng trong tháng 4/2025 đạt 850 triệu USD, đóng góp vào tổng giá trị 4 tháng đầu năm lên tới 3,09 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, Vasep đánh giá, bức tranh xuất khẩu không đồng đều giữa các sản phẩm và thị trường, trong bối cảnh bất ổn về thuế quan đối ứng từ Hoa Kỳ đang tạo ra nhiều thách thức.
Tôm tiếp tục là mặt hàng chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trước bối cảnh bất ổn về thuế quan đối ứng từ Hoa Kỳ, DN xuất khẩu thủy sản đang đối diện nhiều thách thức.
Tôm tiếp tục là mặt hàng chủ lực, đóng góp 1,27 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này đến từ nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường lớn như Trung Quốc, EU và Nhật Bản, cùng với giá tôm dần phục hồi do tái cân bằng cung cầu toàn cầu. Cá tra, với kim ngạch 632,7 triệu USD, tăng 9%, duy trì vị thế quan trọng nhưng tăng trưởng chậm lại, đặc biệt trong tháng 4 chỉ đạt 167,7 triệu USD, không tăng so với cùng kỳ.
Thực tế, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với thách thức kép từ thuế quan và cạnh tranh quốc tế. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2025 có thể đạt 10,5 tỷ USD, nhưng điều này phụ thuộc vào khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước chính sách Mỹ và sự linh hoạt trong đa dạng hóa thị trường. Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do và đầu tư vào sản phẩm giá trị gia tăng sẽ là chìa khóa để duy trì đà tăng trưởng.
Đại diện Vasep đánh giá, chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, với mức thuế chống bán phá giá cao (lên tới 46% đối với một số sản phẩm), đang tạo áp lực lớn lên xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Các mặt hàng như cá tra và tôm, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường này, chịu ảnh hưởng nặng nề.
Thuế quan làm tăng giá thành sản phẩm, khiến các nhà nhập khẩu Mỹ cân nhắc chuyển hướng sang các nguồn cung khác như Ấn Độ hay Ecuador. Các rào cản kỹ thuật, như kiểm tra an toàn thực phẩm và yêu cầu truy xuất nguồn gốc khắt khe, cũng làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiệp định CPTPP và các FTA khác đang giúp Việt Nam giảm thiểu tác động tiêu cực bằng cách mở rộng thị trường sang EU, Nhật Bản và ASEAN. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang điều chỉnh chiến lược, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Vasep, trong bối cảnh này các DN thủy sản cần làm một lúc 2 việc: Thứ nhất, đó là tăng cường tổ chức các Hội chợ xúc tiến thương mại, DN tích cực tham gia các triểm lãm quốc tế. Vasep cùng cộng đồng các DN thủy sản gia tăng các lô hàng có thể xuất khẩu; Bên cạnh đó, là chú trọng nhu cầu thị trường.
"Nhu cầu thị trường chỉ gia tăng vài % mỗi năm, nếu chúng ta không chủ động nỗ lực nâng cao cả sản lượng và chất lượng thì sẽ không thể giữ được thị phần"... Phó Tổng Thư ký Vasep nhấn mạnh.
Hồng Hương