Chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi
6 giờ trướcBài gốc
Theo nhận định của ngành chuyên môn, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, một số dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra rải rác, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 62 hộ chăn nuôi ở 11 xóm của 6 xã thuộc các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hòa An và Thành phố làm 515 con lợn (23 con lợn nái, 492 con lợn thịt) bị mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy. Bệnh tụ huyết trùng xảy ra rải rác tại một số huyện với 37 con lợn mắc bệnh, chết 9 con. Đối với đàn gia cầm, dịch bệnh trên đàn gia cầm ổn định, chủ yếu đàn gia cầm tại các huyện mắc rải rác đối với bệnh Newcastle và tụ huyết trùng, nhưng số lượng gia cầm mắc bệnh và thiệt hại không đáng kể cho người chăn nuôi. Hiện nay, toàn tỉnh còn 4 ổ dịch chưa qua 21 ngày gồm các xã Huy Giáp, Đình Phùng, Xuân Trường (Bảo Lạc) và xã Vĩnh Quang (Bảo Lâm).
Trước tình hình đó, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương triển khai tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch, tiếp tục theo dõi và áp dụng các biện pháp chống dịch theo quy định. Anh Hoàng Văn Tiến, xóm Bản Cải, xã Vĩnh Quang (Bảo Lâm) cho biết: Gia đình tôi có 10 con lợn. Những năm trước đây, do chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của vắc xin nên tôi không quan tâm tới việc tiêm hoặc không tiêm phòng vắc xin cho trâu, bò. Khi được chính quyền tuyên truyền, vận động, gia đình tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho vật nuôi, nhờ đó, đàn trâu của gia đình có sức đề kháng, phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh.
Tại huyện Bảo Lâm, thời điểm này, các hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn vật nuôi và phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại và môi trường xung quanh để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc. Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cơ bản được kiểm soát, người dân yên tâm tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Lâm triển khai công tác tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi tại xã Vĩnh Quang.
Để công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân - hè đạt hiệu quả cao, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ nắm chủ trương và thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng đúng tiến độ, bảo đảm nhanh gọn, an toàn. Thực hiện quản lý, cấp phát và sử dụng vắc xin đúng quy định, đúng đối tượng trong suốt thời gian thực hiện.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Lâm Lục Ích Tuân cho biết: Trung tâm tăng cường phối hợp các xã, thị trấn rà soát, thống kê số lượng đàn vật nuôi trong diện tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt cao, góp phần phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường giám sát, quản lý dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện tiêm được 1.494 liều vắc xin lở mồm long móng; 284 liều vắc xin tụ huyết trùng; 1.360 liều vắc xin viêm da nổi cục cho trâu, bò; 3.148 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi; phun khử trùng tiêu độc tại 153 xóm với tổng diện tích phun 751.017 m2, số lượng hóa chất được sử dụng 956 lít.
Để công tác tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi phối hợp với các địa phương tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và người chăn nuôi trong việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiêm được 26.137 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hoàng Văn Khánh cho biết: Đơn vị sẽ tổ chức triển khai, thực hiện tốt 2 đợt tiêm phòng vắc xin chính vụ với yêu cầu tiêm đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian quy định để phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người chăn nuôi phát triển đàn vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm khống chế, dập tắt dịch trong diện hẹp, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan. Đôn đốc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% trên tổng đàn trong diện tiêm, đặc biệt chuẩn bị tốt công tác tiêm phòng đợt 1 từ tháng 4 - 6/2025.
Phương Oanh
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/chu-dong-tiem-phong-dich-benh-cho-dan-vat-nuoi-3176742.html