Người nuôi bò gặp khó do thị trường tiêu thụ hẹp, giá thấp

Người nuôi bò gặp khó do thị trường tiêu thụ hẹp, giá thấp
8 giờ trướcBài gốc
Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của anh Đỗ Thiên Nam -Ảnh: H.N
Tân Long là địa bàn có trang trại nuôi bò nhốt nhiều nhất huyện Hướng Hóa, nhất là từ sau COVID-19, mô hình này có xu hướng gia tăng. Là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi bò nhốt như khí hậu mát mẻ, đất đai rộng rãi, nguồn thức ăn dồi dào nên mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá bò hơi thấp nên nhiều gia đình giảm đàn, chờ giá cả ổn định mới có kế hoạch chăn nuôi trở lại.
Trang trại nuôi bò vỗ béo của anh Đỗ Thiên Nam có quy mô lớn nhất xã Tân Long, cũng là một trong những mô hình đầu tiên của xã. Hiện tại trang trại của anh có hơn 200 con bò. So với trước đây, số lượng này giảm khá nhiều do thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và giá cả thấp. Anh Nam chia sẻ, đầu năm nay anh vừa xuất chuồng 23 con bò với giá thị trường thời điểm bán là 70 ngàn đồng/1 kg thịt hơi. “Do trước tết không bán được, ra tết thì đã quá thời điểm xuất chuồng nên tôi lỗ 60 triệu đồng. Chăn nuôi bò nhốt muốn có lợi nhuận thì bò phải xuất chuồng đúng thời điểm và giá cả phải ổn định”, anh Nam cho biết.
Trước đây, anh Nam từng nuôi bò nhốt cho các chủ trang trại ở Thái Lan nên họ c hỏi kinh nghiệm để về quê lập nghiệp. Không những vậy, anh còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người nuôi khác trên địa bàn. Bò giống do anh thu gom của người dân trong vùng và một số nơi khác với số lượng khoảng 1.000 con/năm, trọng lượng từ 250-500 kg/ con.
Việc thu gom bò trên địa bàn giúp anh giảm chi phí vận chuyển, nắm được nguồn gốc của đàn bò, sự thích nghi của vật nuôi cũng tốt hơn. Bò được nuôi ở trang trại từ 3-4 tháng thì được xuất chuồng. Thị trường chủ yếu trong tỉnh nên thời điểm giá thấp như hiện nay, anh không tăng đàn để tránh rủi ro.
“Mua giống cao, chậm bán, giá thị trường thấp là các yếu tố khiến người nuôi gặp khó. Chưa kể đến thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh nên số lượng bán không nhiều, phụ thuộc vào thương lái”, anh Nam cho hay.
Theo ông Trương Đức Cường, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tân Long, tổng đàn bò trên địa bàn xã không quá nhiều, khoảng hơn 1.200 con. Tuy nhiên, trước tình hình giá cả thị trường xuống thấp, để tránh rủi ro, xã khuyến cáo người dân không phát triển theo phong trào.
Nói đến thị trường tiêu thụ, ông Cường cho hay trong xã có người vào TP. Hồ Chí Minh thâm nhập thị trường, mở lò mổ nhưng chỉ được thời gian ngắn do thua lỗ nên trở về quê. Cũng có người kết hợp với thương lái ở Huế thu mua bò đi tiêu thụ ở những tỉnh khác nhưng không thành công.
“Đây là khó khăn chung của người nuôi bò cả nước chứ không phải chỉ riêng đối với người dân xã Tân Long. Nguồn cung vượt cầu là nguyên nhân chính khiến giá bò nuôi trong nước giảm mạnh. Giá bán ra thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng cao nên nuôi càng nhiều càng lỗ”, ông Cường cho hay.
Không chỉ ở Tân Long, người nuôi bò ở các vùng khác trong huyện Hướng Hóa cũng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bởi vậy, nhiều hộ chăn nuôi phải tạm thời “treo chuồng” chờ tín hiệu từ thị trường.
Từ tháng 8/2023, huyện Hướng Hóa triển khai mô hình nuôi bò 3B ở một số xã trên địa bàn. Mô hình này từng được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ở thời điểm triển khai. Năm 2023, ông Hồ Văn Miên (sinh năm 1986) ở thôn Doa Củ, xã Hướng Phùng, được huyện hỗ trợ mô hình nuôi bò 3B với số lượng 6 con. Mô hình này giao cho đối tượng hưởng lợi trực tiếp, Nhà nước hỗ trợ 70%, người nuôi đối ứng 30%.
Theo tính toán ban đầu, giống bò này tăng trưởng nhanh, trung bình tăng 30 kg/1 con/1 tháng. Việc nuôi nhốt giúp người dân dễ kiểm soát bệnh tật. Điều kiện khí hậu, đất đai ở Hướng Phùng được đánh giá phù hợp với mô hình chăn nuôi này. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm , lứa bò này đã được ông Miên xuất chuồng vào cuối năm 2024 với mức... hòa vốn. “Với giá bán 65 ngàn đồng/1kg, nếu không được Nhà nước hỗ trợ thì người nuôi cầm chắc lỗ. Bò 3B có trọng lượng to, lứa bò nhà tui từ 5,8 đến hơn 6 tạ nên khi bán rất khó, bị thương lái ép giá.
Nguồn thức ăn của bò chủ yếu là cám và rơm, cỏ nhưng cám thì mua giá cao, trung bình 1 tháng phải bỏ ra 9 triệu đồng mua cám; cỏ trồng không đủ cung cấp còn rơm không có sẵn ở địa phương, nhất là mùa khô. Đàn bò 1 ngày ăn 2 tạ cỏ, chưa kể rơm. Bán xong lứa bò này, tui thở phào nhẹ nhõm”, ông Miên chia sẻ.
Hiện chuồng trại có sẵn, tiền bán bò ông Miên vẫn giữ lại chờ xem giá cả thị trường ổn định sẽ nuôi bò cỏ. “Tui dự định quy hoạch vùng trồng cỏ. Phải chủ động nguồn thức ăn thì việc chăn nuôi mới hiệu quả”, ông Miên nói về kế hoạch sắp tới.
Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương cho biết, địa phương có diện tích rộng, nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình chăn nuôi bò 3B. Ban đầu, xã hy vọng từ một vài hộ thử nghiệm, nếu thành công sẽ chuyển giao, phổ biến rộng rãi để các hộ khác làm theo. Tuy nhiên, về sau vì nhiều lý do, trong đó do giá bán thấp nên mô hình này không mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, nhiều người chăn nuôi trên địa bàn huyện Hướng Hóa đang phải xoay xở bằng cách giảm đàn hay tận dụng lao động nông nhàn để giảm chi phí nhân công.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, người dân cần rà soát, cải thiện công tác quản lý chăn nuôi, tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp. Đồng thời, cần sử dụng hiệu quả, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có để giảm giá thành sản xuất và chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Anh Thư
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/nguoi-nuoi-bo-gap-kho-do-thi-truong-tieu-thu-hep-gia-thap-193218.htm