Mỗi khi mưa lớn, khu vực cầu tràn La La trên tuyến ĐT.587 qua xã Húc, huyện Hướng Hóa bị ngập sâu gây nguy hiểm cho người dân - Ảnh: L.T
Hàng chục điểm ở khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét
Theo kết quả Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng bộ tiêu chí và xác định các khu vực rủi ro cao về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sát thực hiện vào năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 27 xã có nguy cơ rủi ro với sạt lở đất và lũ quét, tập trung chủ yếu tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.
Tại huyện Hướng Hóa, qua thống kê của cơ quan chức năng, năm 2024 toàn huyện có khoảng 45 điểm với gần 600 hộ dân/2.617 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Trong đó, 19 khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao phân bố tại các thôn thuộc xã: Húc, Hướng Tân, Hướng Việt, Ba Tầng với tổng gần 300 hộ dân/1.322 nhân khẩu bị ảnh hưởng.
Phần lớn các khu vực này nằm ở vị trí có địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối có độ dốc theo sườn núi. Nơi đây, hằng năm nhận lượng mưa khá lớn và tập trung cùng thời điểm nên dễ khiến các dãy núi bị đứt gãy, gây ra sạt lở. Có điểm độ dốc quá lớn nên khi có mưa lũ liên tục kèm tốc độ dòng chảy mạnh sẽ có nguy cơ xảy ra lũ quét với sức tàn phá rất lớn.
Theo ghi nhận tại thôn Miệt Cũ, xã Hướng Linh, khu vực này có rất nhiều nhà của đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng 2 bên mép vực sâu, bao quanh là các đồi núi cao. Vào mùa mưa, nơi đây thường xuyên đối mặt với các nguy cơ sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Sống cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, gia đình bà Hồ Thị Pun ở thôn Miệt Cũ, xã Hướng Linh làm nhà ngay trên một mỏm đất mới được san phẳng, phía dưới là khe suối, nhìn ra trước là hồ Thủy điện Rào Quán.
Mỗi khi có mưa, bà Pun và nhiều hộ dân gần đó phải thường xuyên kiểm tra xung quanh khu vực nhà mình. “Tôi và bà con trong thôn cũng lo sợ lắm vì nguy cơ sạt lở luôn chực chờ. Nhưng biết làm sao được, gia đình quá khó khăn, đi nơi khác thì không có đất làm nhà nên đành chấp nhận sống chung vậy thôi. Mỗi khi có mưa to dài ngày, chính quyền địa phương hỗ trợ để di dời tới các trường học nhưng mình cũng sợ mất nhà, mất đất”, bà Pun lo lắng.
Nhiều ngôi nhà xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thuộc xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa trên những mỏm đất có nguy cơ sạt lở cao - Ảnh: L.T
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Đakrông, năm 2024 toàn huyện có 13 xã với 78 thôn, bản nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét khiến gần 1.500 hộ dân/6.504 nhân khẩu bị ảnh hưởng buộc phải có phương án sơ tán khi vào mùa mưa bão. Bên cạnh đó, tại huyện Đakrông có 8 khu vực với trên 250 hộ dân/1.044 nhân khẩu được xác định sinh sống dọc các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông.
Cấp thiết có phương án đảm bảo an toàn cho người dân
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả nguy cơ sạt lở đất và lũ quét gây ra, hằng năm các địa phương miền núi luôn kiện toàn, nâng cao năng lực của Ban chỉ huy PCTT& TKCN cấp huyện, xã; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trưởng phòng Nông nghiệp&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết, để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai nói chung, địa phương thường xuyên quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp ứng phó với thiên tai đến tận người dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên hàng đầu là công tác phòng ngừa từ sớm các tình huống rủi ro do thiên tai gây ra.
Trong đó, chú trọng xây dựng các phương án di dời dân khẩn cấp ra khỏi các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi; bố trí nơi ăn ở đảm bảo khi tình huống xảy ra. Về lâu dài, địa phương có nhu cầu bức thiết hiện nay là xây dựng 8 khu tái định cư cho người dân tại các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ quét, tuy nhiên, đến nay do tiềm lực chỉ mới xây dựng được 3 điểm.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho hàng ngàn người dân sống ở sườn núi, ven sông suối với nỗi lo thường trực về nguy cơ sạt lở và lũ quét mỗi khi mưa bão, huyện kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện, huy động nguồn lực hỗ trợ địa phương sớm hoàn thành xây dựng các khu tái định cư, nhằm tạo nơi sinh sống an toàn cho người dân.
Khu tái định cư Ra ly Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa được xây dựng khang trang tại vị trí an toàn để di dời các hộ dân khu vực nguy cơ sạt lở đến sinh sống - Ảnh: L.T
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, tháng 3/2024 vừa qua, Bộ TN&MT có ban hành kế hoạch giao Cục Địa chất Việt Nam chủ trì thực hiện nhiệm vụ điều tra, xây dựng bộ thông tin dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỉ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất và lũ quét thuộc Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” của Chính phủ thực hiện. Tuy nhiên, trong danh sách 150 khu vực dự kiến thực hiện nghiên cứu, đánh giá này không có phạm vi thuộc tỉnh Quảng Trị.
Do đó, để đánh giá mức độ ưu tiên, cung cấp đầy đủ danh mục các khu vực rủi ro với sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đã có kiến nghị gửi UBND tỉnh đề nghị có văn bản phản hồi Cục Địa chất Việt Nam xem xét bổ sung một số khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ quét vào đề án nói trên.
Từ đó, có căn cứ để thời gian tới đề xuất Cục Địa chất Việt Nam thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phòng, tránh sạt lở đất và lũ quét trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao năng lực truyền thông, sử dụng thông tin cảnh báo sớm phục vụ công tác ứng phó với các hình thái nguy hiểm như sạt lở đất và lũ quét vào mùa mưa bão.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 và mưa lũ tại địa bàn huyện Hướng Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến yêu cầu địa phương khẩn trương phối hợp các ban, ngành liên quan, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát chi tiết, cụ thể các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để lên phương án ứng phó trước mắt và lâu dài.
Trong đó, phải đặc biệt quan tâm triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, sẵn sàng phương tiện và lực lượng di dời người dân đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra; chủ động chuẩn bị đủ nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để sẵn sàng cung cấp đủ cho người dân trong trường hợp thiên tai xảy ra dài ngày.
Lê Trường