Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan
8 giờ trướcBài gốc
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và các cơ quan chuyên môn, mùa mưa năm 2025 có khả năng bắt đầu ở thời điểm tương đương trung bình nhiều năm (TBNN). Từ tháng 6 - 8/2025 là mùa mưa, tuy nhiên khả năng sẽ có 2 - 3 đợt giảm mưa (tháng 6, khoảng cuối tháng 8 đến đầu tháng 9…).
Theo Ban Chỉ huy ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ mưa, giông lốc, ảnh hưởng 195 căn nhà; làm đổ ngã 4,2ha rau màu và 2,6ha cây ăn trái, làm hư hỏng khoảng 1.200 tấm pin năng lượng mặt trời; sập hoàn toàn 1 kho chứa thức ăn; ngã trên 52 trụ điện trung thế và 1 máy biến áp, 6 trạm biến áp cấp điện cho các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp; xảy ra 8 vụ răn nứt, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch (tổng chiều dài hơn 400m, ảnh hưởng 5 căn nhà của người dân sống trong khu vực)… Tổng thiệt hại khoảng 4,4 tỷ đồng.
Gần đây nhất, khoảng 16 giờ, ngày 26/4, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa lớn kèm theo giông, gió giật, làm thiệt hại 131 căn nhà. Trong đó có 13 căn sập hoàn toàn, 49 căn tốc mái, xiêu vẹo trên 50%. Lãnh đạo tỉnh, huyện kịp thời đến hiện trường thăm hỏi, động viên, trao tiền hỗ trợ để bà con khắc phục thiệt hại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị lãnh đạo huyện Phú Tân thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, phối hợp lực lượng vũ trang khẩn trương huy động lực lượng; cùng các sở, ngành kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, vượt qua khó khăn.
Hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do giông lốc
Theo ông Lương Huy Khanh (Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở, ban, ngành tỉnh và chủ tịch UBND cấp huyện, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn; kịp thời thông tin, tuyên truyền đến các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động ứng phó. Trong đó, chủ động đề phòng xuất hiện hiện tượng thời tiết nguy hiểm (giông, sét, lốc, mưa đá và các đợt mưa lớn), đặc biệt trong lúc chuyển mùa hiện nay và đầu mùa mưa.
Toàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn gia cố, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc; cắt tỉa cây xanh có nguy cơ đổ ngã; kiểm tra biển hiệu, pa-nô, biển quảng cáo có khả năng mất an toàn. Rà soát, sẵn sàng phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích cấp xã, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho Nhân dân; tổ chức kịp thời hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.
Cùng với đó, tổ chức rà soát, xác định khu vực nguy hiểm, nhất là sườn núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá núi, khu vực cảnh báo sạt lở đất bờ sông, kênh rạch đặc biệt nguy hiểm (nằm trong cảnh báo của Sở Nông nghiệp và Môi trường), để chủ động phương án di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện di dời ngay, địa phương phải có phương án chủ động sơ tán, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là giải pháp hạn chế sạt lở mở rộng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm quy định pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai, gồm các hành vi: Tự ý đào đất lòng kênh, đê bao để đắp mặt bằng, sân, nhà ở; xây dựng công trình, vật kiến trúc lấn chiếm phạm vi bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, đê điều, công trình thủy lợi gây cản trở dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở…
HỮU HUYNH
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/chu-dong-ung-pho-thoi-tiet-cuc-doan-a420653.html