Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch CEN Group
Đó là chi sẻ của ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch CEN Group tại hội thảo về bất động sản tổ chức chiều 3/7.
Theo ông Vũ, các cải cách thể chế, chính sách và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước các cấp mang tính đột phá, chưa từng có tiền lệ, mang lại những luồng gió mới đầy sinh lực, nhất là lĩnh vực bất động sản.
Trước đây, nhiều ý kiến thường nói rằng, các nghị quyết thường không đi vào thực tiễn, nhưng giờ đây, thực tiễn cuộc sống đã được phản ánh vào trong các nghị quyết. Điều này củng cố niềm tin và tiếp thêm động lực cho cộng động doanh nghiệp.
Đặc biệt, câu chuyện thủ tục pháp lý trong thời gian tới hứa hẹn sẽ trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Đây là điểm nghẽn căn bản kìm hãm sự phát triển của thị trường trong nhiều năm vừa qua, khiến nguồn cung bị hạn chế, đẩy giá bất động sản tăng cao. Chẳng hạn, dự án chung cư 88 Láng Hạ (Hà Nội) đã tăng giá từ 40 triệu đồng/m2 lên 100 triệu đồng/m2, tức gấp 2,5 lần.
Tuy nhiên, khi pháp lý được tháo gỡ, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ "bùng nổ", chuyển từ thiếu nguồn cung sang dư thừa nguồn cung, mang lại nhiều cơ hội hơn cho người trẻ tuổi sở hữu nhà.
Theo ông Vũ, trong vòng 5 - 10 năm tới, chiến lược đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ thay đổi hoàn toàn so với giai đoạn vừa qua. Các dự án trước đây với quy mô 1.000 ha đã được coi là lớn, nhưng giờ đây, các dự án siêu đô thị có diện tích 1.700 ha, 4.000 ha, thậm chí lên đến 10.000 ha đã xuất hiện. Cuộc chơi mới sẽ hoàn toàn khác biệt, không chỉ thay đổi ở mức độ thông thường, mà là sự thay đổi vô cùng lớn.
Dẫu vậy, ông Vũ cũng lưu ý về câu chuyện phát triển nóng khi lấy ví dụ bài học từ Trung Quốc. Cụ thể, trong giai đoạn 1998 - 2019, bất động sản nước này tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng kết quả là hàng nghìn thành phố ma, dự án bỏ hoang vì không có người ở. Sai lầm đó khiến nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng tiêu cực, hy vọng Việt Nam không đi vào vết xe đổ đó.
Theo người đứng đầu CEN Group, một dự án bất động sản nếu không có cư dân về ở thì sẽ chết, mà muốn có người dân về ở, dự án cần đầu tư cả một hệ sinh thái: trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, y tế, vui chơi... Chẳng hạn, tại Cần Giờ - một vùng đất từng được xem là xa xôi, khó kết nối của TP.HCM - khi Vingroup quyết định đầu tư, lập tức họ nghiên cứu tuyến đường sắt cao tốc hoặc tàu điện ngầm kết nối với trung tâm Thành phố. Khoảng cách từ TP. HCM ra Cần Giờ nếu chỉ còn 20 phút thay vì 3 tiếng như hiện nay, thì việc giãn dân là hoàn toàn khả thi. Giá đất ở đó rẻ hơn trung tâm, nhưng chất lượng sống có thể cao hơn nếu hạ tầng đầy đủ.
Tương tự, dự án ở Quảng Yên (Quảng Ninh) hàng nghìn héc-ta cũng gắn với đề xuất đường sắt cao tốc từ Hà Nội. Những dự án tầm cỡ như vậy không chỉ là dự án của doanh nghiệp, mà là sự phối hợp giữa Nhà nước và các tập đoàn lớn để tái phân bổ dân cư, giãn dân khỏi các đô thị trung tâm.
Ở một góc độ khác, mọi người thường lo lắng khi thấy giá bất động sản tăng cao, nhưng ít ai đặt câu hỏi "ai là người khiến giá bất động sản tăng?". Nếu nhìn nhận ra, giá bất động sản tại trung tâm tăng cao cũng là một phần trong chiến lược giãn dân. Đây là nguồn thu lớn để Nhà nước có thể đầu tư ngược trở lại vào hạ tầng, kết nối các khu vực.
"Khi câu chuyện hạ tầng phát triển, người dân có thể sống xa trung tâm với một mức giá nhà rẻ hơn nhưng chất lượng cuộc sống vẫn cao", ông Vũ nhấn mạnh.
Việt Dương