Theo kết luận điều tra, để quá trình cung cấp thuốc được thuận lợi, ông Phạm Văn Cách (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược Sơn Lâm) đã phải chi tiền cho một số cá nhân có thẩm quyền thuộc bệnh viện, trung tâm y tế trước, trong hoặc sau quá trình thực hiện hợp đồng.
CQĐT xác định, quá trình Công ty Sơn Lâm thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc vào một số bệnh viện, trung tâm y tế, theo yêu cầu của các cá nhân có thẩm quyền, ông Phạm Văn Cách đã đưa hối lộ hơn 71 tỷ đồng để không bị gây khó khăn trong việc cung cấp thuốc.
Người nhận hối lộ nhiều nhất từ ông Cách là bị can Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, với số tiền nhận hối lộ lên tới 47 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2017-2023, Công ty Sơn Lâm đã trúng thầu, ký kết, thực hiện 10 hợp đồng cung cấp dược liệu cho Viện Y dược học dân tộc TPHCM phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với tổng giá trị theo hóa đơn mua bán là hơn 232 tỷ đồng.
Bị can Phạm Văn Cách (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược Sơn Lâm)
Thời điểm đó, bị can Phạm Văn Chuân là nhân viên của Viện, không có vai trò trong quá trình thực hiện hợp đồng nhưng là người được ông Lộc tin tưởng, thường xuyên đi cùng sếp để phục vụ, thực hiện các công việc theo chỉ đạo của ông Lộc.
Quá trình thực hiện hợp đồng, từ năm 2018-2023, ông Lộc yêu cầu ông Cách phải đưa tiền “chi phí hoa hồng” từ 20-25% hóa đơn mua bán (tùy thời điểm) cho ông Lộc hoặc ông Chuân.
Thời điểm đưa tiền thường là sau mỗi đợt Viện Y dược học dân tộc TPHCM thanh toán tiền mua dược liệu cho Công ty Sơn Lâm hoặc khi ông Lộc cần tiền gấp.
Để không bị ông Lộc gây khó khăn, ông Cách đồng ý, huy động cả con dâu, vợ, cháu để chuyển tiền hối lộ cho cựu Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM.
Tiền được chuyển trực tiếp cho ông Lộc hoặc thông qua ông Chuân. Sau mỗi lần nhận tiền, ông Chuân đưa lại cho ông Lộc tại phòng làm việc hoặc theo chỉ đạo của ông Lộc đưa cho Huỳnh Chí Cường (em rể ông Lộc) hoặc Nguyễn Hữu Tài, nhân viên Viện.
Sau khi ông Cách bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Lộc đưa 9 tỷ đồng cho Phạm Văn Chuân nộp vào tài khoản của bà Bùi Thị Thanh Hương (con dâu ông Cách). Trong đó, có 2 tỷ đồng trả nợ ông Cách (vay vào tháng 9/2023) và 7 tỷ đồng trả lại một phần tiền chi phí hoa hồng đã nhận.
Chi tiền hối lộ để không bị gây khó dễ
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an làm rõ, từ năm 2014-2019, Công ty Sơn Lâm đã trúng thầu, ký kết, thực hiện 6 hợp đồng cung cấp vị thuốc cổ truyền phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên với tổng giá trị theo hóa đơn là hơn 21 tỷ đồng.
Thời điểm đó, bà Quách Thị Lịch là Trưởng phòng Tài chính Kế toán, có nhiệm vụ kiểm nhập thuốc và làm các thủ tục thanh, quyết toán cho các hợp đồng đã ký kết với các đơn vị cung cấp thuốc vào bệnh viện. Quá trình thực hiện hợp đồng, từ năm 2018-2019, bà Lịch yêu cầu ông Phạm Văn Cách đưa chi phí hoa hồng cho mình với mức chi 10-15%/hóa đơn mua bán (chưa tính thuế VAT).
Để không bị gây khó khăn, ông Cách đồng ý, chỉ đạo Bùi Thị Thanh Hương (con dâu ông Cách) 4 lần chuyển tổng số hơn 500 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của bà Lịch.
Tương tự, tại Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, từ 2017-2021, Công ty Sơn Lâm đã ký kết, thực hiện 4 hợp đồng cung cấp vị thuốc cổ truyền phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với tổng giá trị theo hóa đơn mua bán là hơn 4,2 tỷ đồng.
Từ năm 2018-2021, ông Cách chi tiền “phí hoa hồng” cho bà Vũ Thị Ngát (khi đó là giám đốc) 500 triệu đồng để không bị bà Ngát gây khó khăn.
Tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối và Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, sau khi trúng thầu, ký kết, thực hiện các hợp đồng cung cấp vị thuốc cổ truyền, ông Phạm Văn Cách cũng phải chi “phí hoa hồng” với mức từ 10-12%/hóa đơn mua bán (chưa tính thuế VAT). Theo đó, ông Cách chỉ đạo con dâu 8 lần chuyển tiền hối lộ cho người liên quan để được “thuận việc làm ăn”.
T.Nhung