Chủ tịch EC cảnh báo sẽ đáp trả thuế quan mới của Mỹ

Chủ tịch EC cảnh báo sẽ đáp trả thuế quan mới của Mỹ
20 giờ trướcBài gốc
“Việc Tổng thống Trump tuyên bố áp dụng thuế quan toàn cầu đối với thế giới, bao gồm cả EU, là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới. Tôi vô cùng lấy làm tiếc về lựa chọn này,” Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 3/4 lên tiếng, theo CNN.
Bà Leyen nhấn mạnh: “Chúng ta hãy sáng suốt về những hậu quả to lớn. Nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tổn thất nặng nề. Sự bất ổn sẽ leo thang và kích hoạt sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ hơn nữa”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo này cũng đồng thời nhấn mạnh rằng EU “đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả”. “Chúng tôi đang hoàn thiện gói biện pháp đối phó đầu tiên để đáp trả thuế quan đối với thép, cũng như đang chuẩn bị các biện pháp đối phó tiếp theo để bảo vệ lợi ích và doanh nghiệp của chúng tôi nếu các cuộc đàm phán thất bại,” bà Leyen cho hay.
Mặt khác, bà Leyen cũng nhận định rằng “không có con đường rõ ràng nào thoát khỏi sự phức tạp và hỗn loạn đang diễn ra khi tất cả các đối tác thương mại của Mỹ đều bị ảnh hưởng". Song, bà khẳng định sự đoàn kết của EU "là sức mạnh của chúng ta" và khối này sẽ sẵn sàng ứng phó bằng các biện pháp đối phó được cân nhắc kỹ lưỡng.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Theo số liệu từ Cục Thống kê Dân số Mỹ, EU là thị trường lớn nhất cho hàng hóa xuất khẩu Mỹ vào năm 2024.
Tổng thống Donald Trump phát biểu về chính sách thuế quan tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 2/4. Ảnh: Reuters
Bình luận của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump ngày 2/4 công bố các mức thuế đối ứng toàn cầu đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu 10% thuế. Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu mức 20-26%. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%.
Phản ứng với động thái mới nhất từ Nhà Trắng, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết mục tiêu của nước này là “tránh một cuộc chiến thương mại”. “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đạt được một thỏa thuận với Mỹ,” CBS News dẫn thông cáo của Thủ tướng Italy.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 3/4 đã triệu tập cuộc họp khẩn với các ngành chịu ảnh hưởng bởi thuế quan của ông Trump.
Thủ tướng Ireland Micheal Martin khẳng định rằng “chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai” và cho biết ưu tiên của Chính phủ Ireland là “bảo vệ việc làm và nền kinh tế quốc gia”.
Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cũng cho rằng các quyết định về thuế quan của Mỹ là “đáng lo ngại”, đồng thời cảnh báo “không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại”. “Các doanh nghiệp, người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế đều chịu thiệt hại. EU sẵn sàng ứng phó và đàm phán. Chúng tôi ủng hộ nỗ lực này. Phần Lan đã sẵn sàng như một phần của khối,” ông Orpo cho biết.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết ông "rất lấy làm tiếc" về quyết định của Mỹ, đồng thời khẳng định nước này không muốn các rào cản thương mại ngày càng gia tăng. Mặt khác, ông cho biết Chính phủ đã sẵn sàng ứng phó và hợp tác với EU để “tận dụng mọi cơ hội để đảo ngược những diễn biến này”. “Chúng tôi muốn tìm đường quay lại con đường thương mại và hợp tác cùng với Mỹ,” ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng kinh tế Đức sắp mãn nhiệm Robert Habeck nhấn mạnh nhu cầu phải có phản ứng thống nhất của EU; cho rằng khối này nên tận dụng thực tế rằng họ là thị trường đơn lẻ lớn nhất thế giới. “Sức mạnh của châu Âu chính là sức mạnh của chúng ta,” ông Habeck nói và cho biết thêm rằng ông hy vọng sẽ có “một giải pháp thông qua đàm phán”.
Trong bài đăng ngắn trên mạng xã hội, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bày tỏ: “Tình bạn có nghĩa là quan hệ đối tác. Quan hệ đối tác có nghĩa là thuế quan thực sự có tính tương hỗ. Cần có những quyết định phù hợp”.
Theo Guardian, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng chính sách thuế quan của ông Trump “rõ ràng sẽ gây ra tác động kinh tế”, song London sẽ phản ứng “bằng cái đầu lạnh và bình tĩnh”. Ông Starmer cho biết Chính phủ Anh hiện sẽ tập trung vào việc đưa ra quyết định “chỉ dựa trên lợi ích quốc gia” và "đưa tiền vào túi người lao động".
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere trả lời đài truyền hình NRK rằng Oslo sẽ tìm cách đàm phán với Washington sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 15% với nước này. “Đây là một tin xấu, rất nghiêm trọng. Người Mỹ nói rằng có một cơ hội đàm phán ở đây và chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này theo mọi cách có thể,” ông Stoere nhấn mạnh.
Na Uy, quốc gia không phải là thành viên của EU, cũng đang vận động các nhà hoạch định chính sách EU ngăn chặn “kịch bản xấu nhất”, trong đó xuất khẩu của Na Uy sang châu Âu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi phản ứng của liên minh đối với thuế quan của Mỹ. Thủ tướng Stoere cho biết sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Brussels vào đầu tuần sau để gặp Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và những lãnh đạo khác.
Đỗ Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/chu-tich-ec-canh-bao-se-dap-tra-thue-quan-moi-cua-my-39996.html