Chủ tịch Hồ Chí Minh hòa nhịp cùng thanh niên Kazakhstan trong vũ điệu dân tộc, tháng 7/1959. Ảnh tư liệu
"Đằng sau vẻ ngoài giản dị là một nhân cách vĩ đại"
Năm 1923, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng người Xô Viết Osip Mandelstam gặp Nguyễn Ái Quốc, lúc này 33 tuổi, ở Moscow.
Bằng dự cảm của một thi sĩ, chỉ sau một thời gian ngắn trong buổi tiếp xúc với người thanh niên Nguyễn Ái Quốc, ông Osip Mandelstam đã đánh giá Nguyễn Ái Quốc là một người phương Đông lịch sự, là biểu hiện cho một nền văn hóa của tương lai: "Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Từ trong giọng nói đầm ấm, thanh cao của Người, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái bao la toàn thế giới mênh mang như nước đại dương".
Còn ông Jean Sainteny, đặc phái viên của Tổng thống Pháp về vấn đề Đông Dương những năm 1946-1954, đã viết: "Ngay lần gặp đầu tiên với Hồ Chí Minh, tôi đã có ấn tượng rằng, đằng sau vẻ ngoài giản dị của con người này là một nhân cách vĩ đại".
Từ một người bên kia chiến tuyến, sau này, ông Jean Sainteny trở thành người bạn của nhân dân Việt Nam. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông Jean Sainteny bay sang Hà Nội viếng Bác.
Nhà báo Wilfred Graham Burchett trong một lần phỏng vấn Bác Hồ
Tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ. Đón Người, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã dành những lời đẹp đẽ, trân trọng để ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta được tiếp đón một con người, mà người đó là một phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử.
Do đó, chúng ta không chỉ được nâng tầm tư tưởng, suy nghĩ mà còn được lớn lên ở bên Người. Được gặp Người, chúng ta trở nên tốt đẹp hơn... Trong thế giới đầy biến động, xung đột và phân ly, thật vui khi Người đến mang lòng tốt của con người và tình bạn, tình thân ái đã vượt lên tất cả".
Nhà báo Mỹ Harrison S. Salisbury sau khi được gặp Bác, đã viết: "Cụ sống giản dị và khắc khổ tại căn buồng phụ nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách (tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu hài hước đối với khách nam), tất cả đều là nhân tố của thần thoại và truyền thuyết…".
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo quốc tế
Nhà văn Blaga Dimitrova của Bulgaria cũng viết trong "Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh" rằng: "Niềm hy vọng cũng có nhiều tên gọi khác nhau, song ở Việt Nam, niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh…".
"Người trở thành nguồn cảm hứng của tôi"
Nhà báo, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio từng nhiều lần tiếp xúc với Bác và đã xuất bản 3 tác phẩm về Bác. "Sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ của tôi dành cho Bác giống như của những đứa con dành cho người cha kính yêu khi được chứng kiến cuộc đời và sự nghiệp tranh đấu của Người, từ đó, Người trở thành nguồn cảm hứng của tôi", nhà sử học Alain Ruscio chia sẻ.
Nhân cách và phong cách sống mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là những yếu tố khiến Tiến sĩ Prava Samantaray, Tổng Thư ký Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt Tây Bengal, coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là thần tượng. Với bà, "Hồ Chí Minh không chỉ là cái tên, mà đó là một tư tưởng lớn".
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây ở thành phố Bangalore (bang Karnataka) trong chuyến thăm Ấn Độ, tháng 2/1958
Nhà báo người Australia nổi tiếng một thời Wilfred Graham Burchett không bao giờ có thể quên được lần gặp gỡ đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chiến khu Việt Bắc tháng 3/954 trước khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ấn tượng về một nhà lãnh đạo thông tuệ, sâu sắc mà giản dị chính là khởi đầu cho sự gắn bó và tình cảm suốt đời của Wilfred Burchett với Việt Nam. Ông viết: "Ở ông, gương mặt hiền từ không lẫn với ai được, đôi mắt đen sâu thẳm lấp lánh, bộ râu mỏng rối bời, gương mặt chúng tôi đã biết từ những bức ảnh và chân dung trong nhiều năm qua".
Nhà báo Madeleine Riffaud được Bác Hồ nhận làm con nuôi khi Người sang thăm nước Pháp vào mùa hè năm 1946 với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Với bà, mỗi lời của Người dù rất giản dị nhưng luôn sâu sắc và thấm đẫm triết lý sống nhân văn.
Chính lần đầu tiên được gặp Bác khi Người đến thăm Pháp đã thôi thúc nữ nhà báo trẻ tuổi Madeleine Riffaud đến Việt Nam, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên Madeleine Riffaud (Pháp) trong Phủ Chủ tịch, tháng 8/1966
Bà Madeleine Riffaud từng kể lại những lời căn dặn của Bác: "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho tôi một bài học làm báo rất quý báu và tuyệt vời. Khi đó, trận chiến diễn ra rất ác liệt. Bác Hồ đã nói một câu mà đã theo tôi suốt cuộc đời và giúp nhiều cho tôi trong cuộc sống, công việc.
Người đã nói rằng: Đừng nói với người Pháp hoặc nói ít nhất có thể về những đau đớn của chúng tôi, mà hãy giải thích chúng tôi đã vượt qua những đau đớn ấy như thế nào. Câu nói ấy của Người đã theo tôi suốt cuộc đời, rằng dù khó đến đâu, cũng phải đấu tranh và vươn lên".
Còn nữ nhà báo Cuba Marta Rojas đặc biệt xúc động về cuộc phỏng vấn với Bác Hồ vào đầu tháng 7/1969. "Ấn tượng của tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông giản dị, hiền từ, nhiệt tình và lịch thiệp", bà Marta Rojas nhớ lại.
Không mang theo máy ảnh cho cuộc phỏng vấn, bà Marta Rojas được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một bức ảnh của Người để sử dụng. Bức ảnh chân dung Bác, với dòng chữ "Thân tặng Marta" được nữ nhà báo Cuba giữ cho tới mãi sau này.
Phong cách giản dị, trí tuệ anh minh và sự khiêm tốn cách mạng - Đó cũng là ấn tượng không bao giờ phai mờ của bà Elizabeth Tortosa, nhà hoạt động cách mạng Venezuela, phu nhân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Venezuela và và Thượng nghị sĩ đắc cử năm 1958 Jesús Faría Tortosa, khi gặp Bác Hồ.
Bà Elizabeth Tortosa, nhà hoạt động cách mạng Venezuela
Tới thăm Việt Nam năm 1965 và được gặp Bác, bà Elizabeth Tortosa bày tỏ cuộc gặp gỡ với Bác Hồ là một trong những bài học chính trị lớn nhất đối với bà.
Bà xúc động nhớ lại: "Một buổi sáng trong thời gian ở Hà Nội, tôi được thông báo sẽ được đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi không thể tưởng tượng rằng mình sẽ có đặc quyền to lớn này và có cơ hội chia sẻ quan điểm với Lãnh tụ đáng kính mà tôi hằng ngưỡng mộ, người đã, đang và tiếp tục truyền cảm hứng cho các dân tộc trên thế giới trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do".
Cả cuộc đời hy sinh vì hạnh phúc nhân dân, với nhân cách cao quý và lối sống giản dị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đã trở thành huyền thoại trong trái tim bạn bè quốc tế.
* Nguồn ảnh: Bộ Ngoại giao, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Ngự Bình (Tổng hợp)