Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi có dịp gặp gỡ nhân chứng đặc biệt vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Mỗi khoảnh khắc, mỗi ánh nhìn, mỗi câu nói của Người là những ký ức đặc biệt của cuộc đời mà mỗi lần bà Nguyễn Thị Lân nhớ lại không khỏi bồi hồi xúc động.
Vẹn nguyên ký ức về Bác
Những ngày tháng Năm, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ nằm khiêm nhường trong con ngõ ở khối 13, phường Bến Thủy (TP Vinh, Nghệ An). Bà Nguyễn Thị Lân, cựu thanh niên xung phong năm nay đã 81 tuổi, đón khách bằng nụ cười hiền hậu và đôi mắt ánh lên niềm tự hào khó giấu.
Cựu TXNP Nguyễn Thị Lân.
Trong căn phòng khách giản dị, nổi bật ở vị trí trang trọng nhất là bức ảnh đen trắng chụp Bác Hồ với Đoàn đại biểu Quân khu 4 năm 1969. Bà Lân, khi ấy là Đại đội trưởng Đại đội 557 được chọn là một trong 23 gương mặt tiêu biểu ra Hà Nội báo công với Bác. "Tôi đứng hàng đầu, ngoài cùng bên trái chỗ đó đó!", bà cười, tay chỉ nhẹ vào bức ảnh như nhắc lại một khoảnh khắc không thể nào quên của đời mình.
Năm 1965, Nguyễn Thị Lân, cô gái quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), khi ấy vừa tròn 21 tuổi hăng hái tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Không lâu sau, chị được điều vào miền Tây Quảng Trị, bắt đầu những tháng ngày gian khổ nơi "tọa độ lửa".
Tại đây, chị cùng đồng đội đảm nhận nhiệm vụ tải lương thực, vũ khí vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, trên đường trở ra lại cáng thương binh từ trận mạc về tuyến ngoài để cứu chữa. Giữa rừng thiêng nước độc, ngày ngày làm "mồi" cho muỗi rừng, vắt bám, sốt rét hành hạ khiến hầu hết anh chị em TNXP gầy gò, xanh xao, tiều tụy.
Đây là lần thứ 2, Bác Hồ về thăm quê hương sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước... (Ảnh tư liệu).
"Cứ đúng 5 giờ sáng là chúng tôi nhận hàng lên đường. Tối mịt, khi chẳng còn nhìn rõ mặt nhau, mới về đến điểm tập kết. Hồi đó tôi chỉ nặng khoảng 45 kg, vậy mà ngày nào cũng vác 35 kg gạo hoặc thùng đạn vào chiến trường. Khi trở ra thì cùng đồng đội gánh thương binh bằng võng cáng, hai người một đầu", giọng bà trầm xuống, mắt xa xăm như sống lại những năm tháng giữa đại ngàn Trường Sơn.
Sau hai năm chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn, nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Lân được điều động ra làm nhiệm vụ tại ngã ba Đồng Lộc, nơi được mệnh danh là "tọa độ lửa" khốc liệt nhất miền Bắc. Ở đây, lần lượt giữ các chức vụ Đại đội phó rồi Đại đội trưởng Đại đội 557, chỉ huy một lực lượng chủ yếu là nữ TNXP.
Cựu TXNP Nguyễn Thị Lân kể lại kỷ niệm hai lần gặp Bác Hồ.
Thực hiện nhiệm vụ tại ngã ba Đồng Lộc, Đại đội trưởng Nguyễn Thị Lân không quản ngại gian khổ, hy sinh và lập được nhiều chiến công. Thân hình nhỏ nhắn nhưng vô cùng gan dạ, nữ Đại đội trưởng ấy luôn sẵn sàng xông ra mặt đường để những chuyến xe đi qua được an toàn. Những thành tích của bà góp phần giúp Đại đội 557 được phong tặng Huân chương Độc lập.
Cuối năm 1967, Đại đội trưởng Nguyễn Thị Lân vinh dự được chọn tham gia đoàn đại biểu gần 200 người gồm những đoàn viên ưu tú, cán bộ xuất sắc ra Thủ đô Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy Người, tất cả đều nghẹn ngào xúc động.
"Bác đứng từ xa, vẫy tay chào với nụ cười hiền từ, ấm áp. Tuy không được trực tiếp trò chuyện, nhưng chỉ ánh mắt và nụ cười của Bác thôi cũng đủ khiến chúng tôi ấm lòng. Cả đoàn ai cũng bồi hồi, vừa tự hào, vừa tiếc nuối vì chưa được ở gần Bác lâu hơn", bà Lân bày tỏ.
Cuộc gặp không thể nào quên tại Phủ Chủ tịch
Đầu năm 1969, tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An), Quân khu 4 tổ chức Đại hội Quyết thắng. Dù không thể trực tiếp tham dự do bận công việc, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng và dặn dò cử Đoàn đại biểu Quân khu 4 ra Thủ đô để tham quan và gặp mặt. Một lần nữa, nữ TNXP Nguyễn Thị Lân lại vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu gồm 23 người ra Hà Nội.
Nữ cựu TXNP Nguyễn Thị Lân (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) cùng Đoàn đại biểu đồng hương Quân khu 4 chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ.
Bà xúc động kể lại, khi đoàn đại biểu đặt chân vào Phủ Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mở cửa, rồi Bác Hồ bước ra. Không ai bảo ai, cả đoàn ùa tới ôm chầm lấy Bác, như những đứa con lâu ngày mới trở về với người thân yêu nhất.
Bác nắm tay từng người, hỏi han ân cần như thể đang gặp lại chính ruột thịt sau bao năm xa cách. Giọng Bác trầm ấm, ánh mắt hiền từ, cử chỉ thân mật của Bác khiến ai nấy đều nghẹn ngào, nước mắt cứ thế lặng lẽ rơi.
Cựu TNXP Nguyễn Thị Lân trò chuyện với PV Báo Sức khỏe & Đời sống.
Lần lượt hỏi chuyện hết 7 người, Bác bảo Đại tướng Võ Nguyên Giáp lấy Huy hiệu của Bác để trao cho các thành viên trong đoàn. Lúc này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo với Bác đã hết giờ tiếp khách, mời Bác về nghỉ để giữ sức khỏe.
Bác nói rằng, ngày mai Bác sẽ nhận khuyết điểm trước Bộ Chính trị (vì không thực hiện đúng nội quy), nhưng đây là một dịp rất hiếm đối với Bác, cho Bác một ít thời gian nữa để Bác gặp Đoàn đại biểu đồng hương Quân khu 4 thêm một lúc.
Sau câu nói ấy của Bác, tất cả thành viên trong đoàn đều rất xúc động, cùng lấy khăn lau những dòng nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt, rồi cùng chụp ảnh lưu niệm với Bác.
Sau Hiệp định Paris, bà Nguyễn Thị Lân xuất ngũ, chuyển ngành làm cán bộ Công ty Sông biển Nghệ Tĩnh, lập gia đình và sinh sống tại TP Vinh. Bà chia sẻ: "Cuộc đời có bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn nhưng giây phút được gặp Bác Hồ là những khoảnh khắc tôi không thể nào quên. Bác như một người Cha đi lâu ngày về gặp con chứ không phải là một vị lãnh tụ, rất ấm áp và thân tình, quan tâm hỏi han từng đứa con".
Đã gần 60 năm trôi qua nhưng giây phút ấy, kỷ niệm ấy dường như còn ngưng đọng, lưu giữ trong tâm trí nữ thanh niên xung phong năm nào.
"Lời nói ấm áp, ánh mắt yêu thương, cử chỉ thân mật của Người đã thôi thúc tôi phải sống tốt, sống vui, sống khỏe, làm nhiều việc có ích cho Đảng, Nhà nước..." bà Lân tâm niệm.
Và trong đôi mắt của người nữ chiến sĩ năm xưa, ký ức về Bác, về đồng đội, về Trường Sơn năm nào dường như vẫn còn nguyên vẹn như mới hôm qua.
Hoàng Trinh