Ký ức không quên của nữ văn công 8 năm phục vụ Bác Hồ

Ký ức không quên của nữ văn công 8 năm phục vụ Bác Hồ
7 giờ trướcBài gốc
Thời gian như lùi lại sau cánh cửa, đưa chúng tôi trở về quãng thời gian bà gọi là “may mắn nhất cuộc đời”.
Những kỷ niệm không quên về Bác
Người diễn viên của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) năm nào nay đã qua sinh nhật 87 tuổi, nhưng vẫn giữ vẻ tươi tắn, nét duyên dáng và giọng nói trong trẻo như thể thời gian đã lãng quên bà. Bà bảo: “Hơn nửa thế kỷ từ ngày Bác đi xa, nhưng quãng thời gian được phục vụ Bác vẫn mãi khắc ghi trong tôi như chỉ mới ngày hôm qua”.
Thượng tá QNCN, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Thị Ngà. Ảnh: PHẠM THỨ
Nhớ lại lần đầu tiên được gặp Bác, bà Ngà cho biết, đó là sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam được tới phục vụ hội nghị chuẩn bị ký Hiệp định Genève 1954. “Lần đầu tiên được nhìn thấy Bác, chúng tôi vô cùng vui sướng, cứ mải mê đứng mãi ở cánh gà ngó xuống chỗ Bác ngồi, quên bẵng cả đến lượt biểu diễn của mình. Khi về, nhạc sĩ Đỗ Nhuận phê bình rất nghiêm, nhưng rồi cũng bỏ qua vì ai cũng hiểu niềm vui được gặp Bác lớn đến nhường nào”, bà Ngà rưng rưng kể.
Từ lần gặp đầu tiên đầy xúc động ấy, các dịp lễ, Tết hay khi có khách quốc tế đến thăm Phủ Chủ tịch, bà Ngà và đồng đội thường xuyên được vào biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Từ năm 1961 đến 1969, bà có vinh dự đặc biệt được làm việc trong Phủ Chủ tịch, đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau: Khi thì hát, khi thì đọc sách báo, tài liệu cho Bác nghe. Có lúc được Bác tin tưởng giao mang hoa tặng các đoàn khách quốc tế đến thăm; nhiều lần đứng rót nước trong những buổi tiếp khách quan trọng. Trong số những người được lựa chọn, bà Ngà là người thấp bé và tròn trĩnh nhất nên được Bác đặt biệt danh là “bé hạt mít”.
Một lần, bà Ngà và đồng đội được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc). Trước giờ biểu diễn, Bác Hồ ghé thăm hậu trường, ân cần hỏi: “Hôm nay phục vụ bạn, các cháu có “tủ” gì mới không?”. Khi nghe các diễn viên khoe sẽ hát một bài bằng cả tiếng Tiệp và tiếng Việt, Bác cười hiền hậu: “Các cháu hát sao cho khi hát tiếng Tiệp thì bạn không tưởng là tiếng Việt, còn khi hát tiếng Việt thì Bác không tưởng là tiếng Tiệp nhé!”.
Bức thư của Bác Hồ gửi đoàn văn công được bà Ngà trân trọng lưu giữ.
Bà bày tỏ: “Chúng tôi ồ lên vui sướng vì câu phê bình nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của Bác. Trước đó, chúng tôi vẫn thường bị khán giả chê là hát không rõ lời, nhả không rõ chữ khi hát tiếng nước ngoài”.
Những bài học từ Bác
Bà Ngà ngồi lật giở lại cuốn album hình ảnh được bà nâng niu lưu giữ như báu vật về cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Những lần được gặp Bác, được Người quan tâm, giảng giải về ý nghĩa của lời ca tiếng hát trong việc động viên bộ đội và phục vụ nhân dân, chúng tôi hiểu rõ hơn giá trị công việc mình làm và an tâm phấn đấu để trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời Bác dạy”, bà Ngà chia sẻ.
Bà Ngà nhớ lại, có hai lần Bác Hồ bất ngờ đến thăm nơi ở và sinh hoạt của anh chị em văn công. Điểm đầu tiên Bác ghé qua đều là nhà ăn và khu vệ sinh. Nhìn thấy mâm cơm thừa, nơi ăn ở chưa gọn gàng, Bác nghiêm khắc nhắc nhở: “Văn công làm công tác văn hóa mà ở chưa sạch, ăn uống thừa, lãng phí là không được. Dân ta còn nghèo, các cháu phải biết tiết kiệm. Lúc đó ai nấy đều lặng người, áy náy vì đã làm Bác phải phiền lòng”.
Bà Ngà (mặc áo dài, đứng thứ 2 bên phải) cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số đồng chí tiếp anh hùng vũ trụ Gherman Stepanovich Titov. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những ngày Chủ nhật, bà Ngà thường được Bác Hồ bảo vào ăn cơm cùng. Bà nhớ rõ bữa cơm của Bác luôn thanh đạm, chỉ một bát canh ninh nhừ từ xương mà theo đồng chí Vũ Kỳ là “thứ quý nhất trong mâm cơm của Bác”; cùng vài món mộc mạc như quả cà, dưa chua hay khúc cá kho. Những lần bà ngồi ăn cùng có thêm món nem rán. Bác gắp cho bà rồi cười bảo: “Ngày xưa, Bác cũng thích nem rán lắm, nhưng lúc đó không có mà ăn. Bây giờ có thì lại không ăn được”. Nghe vậy, bà nghẹn lòng, càng thương Bác.
“Trong lòng tôi, Bác luôn là người vô cùng gần gũi, thân thiết. Qua mỗi lần được gặp Bác, tôi càng cảm nhận rõ sự giản dị, bình dị trong con người Bác, từ lời ăn tiếng nói, đến cách sống và cách quan tâm tới từng người. Những bài học Bác dạy đều rất cụ thể, đời thường, mà lại thấm thía và sâu sắc”, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Thị Ngà lấy khăn lau những giọt nước mắt khi kể về Bác.
Nhắc lại ngày Bác mất, bà Ngà không giấu được xúc động. Bà kể, đó là nỗi đau không thể diễn tả bằng lời, như thể mất đi một phần thiêng liêng và quan trọng nhất trong cuộc đời.
Bà Ngà (đầu tiên, hàng thứ 2 từ trái qua, cạnh người đàn ông đội khăn) cùng đoàn văn công tiếp khách quốc tế tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ khi Bác mất, theo sáng kiến của đồng chí Vũ Kỳ, nhiều năm vào ngày 19-5, những người từng trực tiếp phục vụ Bác lại họp mặt tại nhà sàn, thắp hương tưởng niệm Người. Họ gọi đó là “Cuộc gặp mặt những người trực tiếp phục vụ Bác Hồ”.
Với Thượng tá QNCN Trần Thị Ngà, những năm tháng được sống và phục vụ bên Bác là quãng đời hạnh phúc và đáng trân quý nhất. Cùng những lời dạy của Người trở thành kim chỉ nam trong suốt hành trình sống và làm việc của bà.
PHẠM THỨ
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ky-uc-khong-quen-cua-nu-van-cong-8-nam-phuc-vu-bac-ho-828955