Ngày 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan thời gian qua một lần nữa được nhiều đại biểu quan tâm và truy trách nhiệm.
Nhiều cửa hàng tại chợ Ninh Hiệp cửa đóng then cài. Ảnh: Thanh Niên.
Tham gia ý kiến, đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) nêu ví dụ: "Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm – Hà Nội) bán hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, gần đây khi có các đoàn kiểm tra tới thì cả chợ đồng loạt đóng cửa".
Từ thực tế trên, bà Thái Thu Xương đặt vấn đề về quản lý thị trường hoạt động thế nào, vai trò của quản lý Nhà nước ra sao khi cả chợ bán công khai hàng giả, hàng nhái như vậy?
Đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra; các địa phương tăng cường vai trò trong việc thanh, kiểm tra để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái.
Quan tâm đến vấn đề hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) chỉ ra có nhiều doanh nghiệp bức xúc kêu, họ liên tục bị làm giả thương hiệu và sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop. Thậm chí, có tình trạng gian thương lợi dụng khuyến mãi để tiêu thụ hàng kém chất lượng, ảnh hưởng mạnh tới các chợ truyền thống.
Tình trạng này khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhất là các cơ sở nhỏ và vừa, rất khó cạnh tranh vì vừa phải gánh chiết khấu, vừa phải cạnh tranh với hàng giả bán rẻ hơn từ 40–50%.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) phát biểu tại tổ. Ảnh: Media Quốc hội.
Đại biểu nêu thực trạng: Tại TP.HCM, nhiều tiểu thương bán quần áo tại các chợ đầu mối (An Đông, Tân Bình…) cho biết, tình hình kinh doanh hiện khó khăn chưa từng có, doanh số giảm khoảng 70–80% so với trước dịch Covid-19
Còn tại Hà Nội, các chợ truyền thống đang rất ế ẩm. Một tiểu thương cho biết hiện mỗi ngày chỉ bán lẻ được khoảng 4–10 sản phẩm...
Ở chợ Đồng Xuân, Ban quản lý cũng xác nhận "cạnh tranh từ các sàn thương mại điện tử rất gay gắt", nhất là mặt hàng thời trang; từ đầu năm đã có khoảng 600 lượt tiểu thương xin tạm nghỉ mỗi tháng vì ế ẩm.
Trong khi đó, người tiêu dùng mua phải hàng nhái, không được bảo vệ quyền lợi đầy đủ.
Từ thực trạng trên, đại biểu đoàn Trà Vinh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành quy định với các nội dung chặt chẽ hơn "bắt buộc các sàn thương mại điện tử phải xác thực danh tính người bán" bằng mã số thuế, CCCD và chịu trách nhiệm liên đới nếu để hàng giả tồn tại quá 24h sau khi có cảnh báo.
Hoặc có hình thức xử lý mức phạt cao đối với các sàn thương mại điện tử cố tình cho tồn tại các gian hàng có hàng hóa vi phạm, nhưng gian hàng đó vẫn tồn tại bằng vỏ bọc mới, với số lượng bán loại hàng hóa đó vẫn duy trì…
Đồng thời phải tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề, đặc biệt tại các nhóm ngành có nguy cơ làm giả cao.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ. Ảnh: Phạm Thắng.
Cũng phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành đã phát động phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhưng muốn dùng hàng Việt Nam thì hàng phải chất lượng.
"Mấy tuần qua, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị bắt với số lượng khủng. Các ban chỉ đạo mình có hết, từ Trung ương tới địa phương, tại sao lại để hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như vậy? Việc này phải kiểm điểm nghiêm túc", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cho rằng trách nhiệm chính là ở địa phương, Chủ tịch Quốc hội quán triệt phải tăng cường quản lý, các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, xử lý hàng gian, hàng giả, hàng nhái quyết liệt hơn để người dân tin tưởng, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Trang Trần