Chủ tịch Quốc hội: Rút gọn thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Rút gọn thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội
8 giờ trướcBài gốc
Cần cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, ngày 21/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về các dự án luật và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Thảo luận tại tổ, Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cũng cho rằng trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, Chính phủ cũng đặt mục tiêu cụ thể 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030, rất cần cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, ông chỉ ra thực tế năm 2023, khi Quốc hội giám sát tối cao về chính sách liên quan bất động sản và nhà ở xã hội, thấy các thủ tục, quy định liên quan nhà ở xã hội còn phức tạp hơn nhà ở thương mại, phải mất 3-5 năm mới có dự án nhà ở xã hội nếu mọi việc suôn sẻ.
Vị đại biểu đề cập đến Quỹ Nhà ở quốc gia nêu trong dự thảo nghị quyết và cho rằng dự thảo chưa làm rõ ai sẽ quản lý quỹ này. "Nếu lại giao cho Mặt trận Tổ quốc hay Tổng Liên đoàn Lao động thì không ổn, vì vừa đầu tư xây dựng, vừa cho thuê, thuê mua, một cơ quan như Mặt trận Tổ quốc có đảm nhiệm được không? Rất phức tạp!", ông nói.
Nhận định thành lập quỹ là cần thiết song vị đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ cơ quan nào điều hành, cơ chế vận hành, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của quỹ thế nào.
Đại biểu Quốc hội phát biểu về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Ảnh Quochoi.vn.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP HCM) cho hay thành lập quỹ nhà ở quốc gia là cần thiết nhằm huy động nguồn lực để thực hiện đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên hiện quy định về quỹ trong dự thảo nghị quyết còn chung chung, chưa nêu rõ cơ quan quản lý hay mô hình tổ chức hoạt động, nguồn thu hay nhiệm vụ chi.
Bà Lệ đề nghị bổ sung quy định cụ thể về Quỹ Nhà ở quốc gia, gồm cơ quan quản lý, mô hình hoạt động, nguồn thu và nhiệm vụ chi. Nghị quyết cần nêu rõ khung cơ sở để Chính phủ ban hành nghị định chi tiết.
Nữ đại biểu cho hay dự thảo nghị quyết quy định Quỹ Nhà ở quốc gia là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương.
Quỹ này được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Theo bà Lệ, nếu không phân định nguồn thu cho quỹ nhà ở trung ương và địa phương có thể dẫn đến chồng chéo, khó thực hiện. Theo bà, việc thành lập cả hai quỹ cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ từng cấp.
Đại biểu cho hay một số địa phương vẫn duy trì quỹ nhà ở tỉnh/thành phố, nên khi thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, nếu vẫn duy trì những quỹ nhà ở này có thể gây trùng lặp chức năng. Do vậy cần quy định rõ việc duy trì, điều chỉnh và đảm bảo nguồn lực cho các quỹ.
Cũng theo đại biểu, dự thảo nghị quyết hướng đến đơn giản hóa thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, tiết kiệm thời gian và chi phí, đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên chưa đánh giá tổng thể thời gian thực hiện sau khi cắt giảm, lồng ghép thủ tục, gây khó khăn trong việc đánh giá khả năng hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.
Về quỹ đất, theo bà Lệ, việc thực hiện quy định chủ đầu tư dự án thương mại dành quỹ đất trong dự án xây nhà ở xã hội hiện chưa hiệu quả. Mức phạt hiện hành chưa đủ sức răn đe, thiếu quy định thời gian thực hiện nghĩa vụ và thời hạn bàn giao đất, dẫn đến trì hoãn, lãng phí và ảnh hưởng nguồn cung nhà ở xã hội.
Bà đề nghị bổ sung các quy định làm cơ sở tổ chức thực hiện nhằm khai thác quỹ đất nhà ở xã hội và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở địa phương.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ủng hộ quy định về thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, bởi thực tế cho thấy, lợi nhuận đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thấp. Hơn nữa, việc xây dựng nhà ở xã hội cho thuê thì số tiền cho thuê chỉ đủ để vận hành tòa nhà vì vậy nhà đầu tư không muốn xây nhà cho thuê. Muốn vậy, xây nhà ở xã hội cho thuê cần có nguồn vốn không lãi suất và nguồn vốn vay từ quỹ này. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn quy định chung chung, chưa có quy định theo hướng ưu tiên đầu tiên cho các dự án nhà ở xã hội cho thuê.
Tập trung tháo gỡ các rào cản pháp lý
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc đơn giản hóa thủ tục, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Ông cho biết từ năm 2021 tới nay, cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội, song số lượng căn nhà ở xã hội mới chỉ đạt 15,6%. Mục tiêu tới 2030 phải xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho người dân thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, Chính phủ cũng đã dành gói 120.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, tiến độ giải ngân rất chậm.
"Chậm ở đây là do chúng ta chưa chỉ đạo quyết liệt và do cả thủ tục hành chính vì triển khai một dự án nhà ở xã hội với quy trình hiện nay, phải mất thời gian tới 2 năm", ông Mẫn nói.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh Quochoi.vn.
Tại dự thảo nghị quyết lần này, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù cho phép giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu. Theo ông Mẫn, cơ chế đặc thù này sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội với thủ tục đầu tư chỉ còn tối đa 75 ngày, giảm khoảng 200 ngày - tương ứng 70% so với hiện nay.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có 3 chính sách mới được bổ sung so với chủ trương của cấp có thẩm quyền, gồm: xác định giá bán, giá thuê mua; điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh về một số nội dung quan trọng khác, như rà soát nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ nhà ở quốc gia, không để trùng lắp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để đảm bảo đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.
Về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ. Tuy nhiên, cần rà soát các mục tiêu, điều kiện để đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch khi lựa chọn nhà đầu tư.
"Tuyệt đối tránh cơ chế xin - cho, đồng thời cần cơ chế thanh tra, giám sát đảm bảo hiệu quả thực hiện chính sách phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Ông nhấn mạnh trong năm 2025, nếu thực hiện hiệu quả các chính sách trong dự thảo nghị quyết sẽ tạo động lực mạnh mẽ để đạt mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội.
Với Quỹ Nhà ở quốc gia, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải xác định rõ mô hình hoạt động, tư cách pháp nhân, chức năng nhiệm vụ. Cùng đó, làm rõ quan hệ với quỹ khác đã có như Quỹ Phát triển nhà ở, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương cũng có chức năng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đông Bắc
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/chu-tich-quoc-hoi-rut-gon-thu-tuc-day-nhanh-tien-do-thuc-hien-du-an-nha-o-xa-hoi.html