Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 12/2, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Tại tổ 13, bao gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk và Hậu Giang, các đại biểu thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội như đã nêu trong Tờ trình. Theo đó, việc sửa đổi lần này tập trung vào việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Các nội dung trọng tâm bao gồm điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đồng thời phân định rõ thẩm quyền giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nhằm hạn chế sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng xem xét bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội để giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Việc sửa đổi lần này không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy mà còn góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Liên quan đến dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng dự thảo, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Việc sửa đổi luật lần này bám sát quan điểm đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, loại bỏ cách tiếp cận cứng nhắc theo kiểu "không quản được thì cấm", đồng thời chuyển thẩm quyền quyết định Chương trình lập pháp hằng năm từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tăng tính chủ động trong điều chỉnh kế hoạch xây dựng luật.
Một nội dung quan trọng khác là quy định trách nhiệm đến cùng đối với cơ quan trình dự án luật, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đề xuất tách quy trình chính sách ra khỏi quy trình lập dự kiến Chương trình lập pháp, giúp quá trình lập pháp trở nên khoa học, hợp lý hơn, tránh tình trạng chồng chéo hoặc điều chỉnh thiếu cơ sở thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật năm 2015). Số điều giảm đi, rút khỏi luật là những quy định về nghị định, thông tư, thực hiện theo đúng quan điểm mới về xây dựng pháp luật là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, còn Chính phủ sẽ ban hành các nghị định, thông tư để chủ động điều hành.
"Trước đây, cơ quan trình làm 50-60% rồi đưa sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải vào cuộc rất vất vả. Có luật, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội phải ngồi 7-8 cuộc. Tôi đã nhắc nhở trong các cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng Bộ trưởng, Trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật; không thể giao cho thứ trưởng, vụ trưởng", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; đề nghị rà soát kỹ lưỡng quy định nội dung ban hành nghị quyết của Chính phủ tại khoản 2 Điều 4, tránh trùng lặp nội dung khi ban hành nghị định.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình định hướng đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ xem xét thông qua trong 1 kỳ họp nhưng chỉ quy định chung theo hướng là tại kỳ họp sẽ thảo luận các ý kiến các nhau.
Khánh Linh