Sáng 4/7, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025.
Đây là phiên họp thường kỳ đầu tiên của UBND TPHCM sau khi hợp nhất 3 địa phương: TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương, hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở 168 phường, xã và đặc khu Côn Đảo.
Về tình hình kinh tế, theo Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Công Vinh, GRDP toàn thành phố 6 tháng đầu năm tăng 6,56%. Trong đó, khu vực TPHCM (cũ) tăng 7,82%; Bình Dương (cũ) tăng 8,3%; riêng Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) giảm 2,2%. Nếu loại trừ dầu thô, tăng trưởng GRDP toàn thành phố mới đạt 7,49%.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được cho rằng, đây là kết quả đạt được trong bối cảnh Mỹ chưa chính thức áp thuế lên hàng Việt Nam. Do đó, ông đề nghị các sở, ngành cùng các chuyên gia, doanh nghiệp phân tích, đánh giá tác động của thuế quan Mỹ đến tăng trưởng GRDP về sau.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được tại phiên họp kinh tế - xã hội sáng 4/7. Ảnh: Hồ Văn
Trong phần kết luận hội nghị, theo ông Nguyễn Văn Được, TP đã có nhiều điểm sáng về các chỉ số kinh tế, xã hội trong 6 tháng đầu năm. Thành phố có số thu ngân sách đạt 60% dự toán năm, giải ngân đầu tư công được cải thiện. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà thành phố cần phải khắc phục. Trong đó, môi trường đầu tư cần cải thiện nhiều.
Ông dẫn chứng, một dự án đã đi vào hoạt động xin kéo dài thời gian. Tuy nhiên, dự án này vẫn phải làm báo cáo đánh giá công nghệ, tác động môi trường trong khi công nghệ trong nhà máy vẫn như cũ.
“Bắt doanh nghiệp nộp hồ sơ xin gia hạn rồi xin đánh giá tác động môi trường để làm gì? Sao không để họ tiếp tục làm mà sinh ra thủ tục phiền toái thêm. Quy định là vậy nhưng cần thích ứng, linh hoạt cho doanh nghiệp”, ông nói và nêu ví dụ khác về việc xin ý kiến về quy hoạch. Mỗi lần lập quy hoạch phân khu hay chi tiết đều phải đi xin ý kiến trong khi số người dân trên địa bàn vẫn từng đó. Thời gian lấy ý kiến có khi kéo dài tới 30 ngày.
“Cần linh hoạt để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đừng làm thất thoát ngân sách nhà nước là được”, Chủ tịch TPHCM nói với lãnh đạo các sở, ngành và đơn vị.
“Đã đến lúc TPHCM phải chuyển mô hình hành chính từ kiểm soát sang phục vụ và quản lý theo hiệu quả. Cán bộ, công chức không được làm việc theo kiểu “quan với dân”, đừng nghĩ dân xin thì mình cho”, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý đội ngũ cán bộ, công chức phải giữ đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, lấy nhân dân làm trung tâm phục vụ, trở thành bạn đồng hành của người dân và doanh nghiệp.
Về ổn định bộ máy sau sắp xếp, theo Chủ tịch TPHCM, trước mắt, phải lập trung tâm hành chính công 2 cấp và đưa 100% thủ tục hành chính thực hiện phi địa giới tới cuối năm 2025.
Ông yêu cầu hoàn thiện mô hình trung tâm hành chính công 2 cấp. Theo đó trung tâm hành chính công cấp thành phố sẽ có trụ sở chính và 38 chi nhánh (22 chi nhánh của TPHCM cũ, 9 chi nhánh ở tỉnh Bình Dương cũ và 7 chi nhánh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ). Dự kiến, mỗi chi nhánh bố trí ít nhất 5 biên chế làm việc, chuyên tiếp nhận, hướng dẫn hồ sơ của doanh nghiệp, người dân.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ TPHCM, tính đến ngày 30/6, TPHCM có 2.081 người nghỉ việc theo chính sách quy định tại Nghị định 178, với số tiền chi trả hỗ trợ là 773,5 tỉ đồng.
Hiện, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TPHCM ban hành quyết định về phê duyệt đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính của hệ thống chính trị.
Trần Chung