Mới đây, trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ nhiều mục tiêu, định hướng lớn trong việc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo ông Phan Văn Mãi, TPHCM là trung tâm về KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thời gian qua Thành phố đã có những đầu tư, bước đi, đạt nhiều kết quả trong các lĩnh vực này.
Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ về những động lực mới khi triển khai Nghị quyết 57. Ảnh: Nguyễn Huế
“Nghị quyết 57 mở ra nhiều cơ hội cho địa phương để phát triển kinh tế dựa trên ứng dụng KH-CN. Qua đó, Thành phố sẽ tập trung rà soát đầu tư để có hệ thống hạ tầng phục vụ đồng bộ, tốt hơn. Đồng thời, tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực quản lý KH-CN và nguồn nhân lực chung cho xã hội”, Chủ tịch TPHCM khẳng định.
Cụ thể, theo ông Phan Văn Mãi, trên nền Nghị quyết 98 của Quốc hội (nghị quyết đặc thù phát triển TPHCM), Thành phố triển khai Nghị quyết 57 để huy động tất cả nguồn lực, với mục tiêu làm sao có nhiều hơn nguồn lực về con người, tài chính và các điều kiện khác để tạo độ bứt phá.
Thành phố đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thành lập các phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu, để phục vụ cho doanh nghiệp và hoạt động nghiên cứu, đào tạo. Đối với trường đại học và viện nghiên cứu, TPHCM có cơ chế đầu tư thông qua hỗ trợ lãi suất, hợp vốn hoặc tài trợ toàn bộ để có hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Về chính sách nguồn nhân lực, theo ông Phan Văn Mãi, Thành phố sẽ hỗ trợ đào tạo nâng cao nhân lực về chuyển đổi số, KH-CN, hỗ trợ chi phí dự hội thảo quốc tế, công trình nghiên cứu quốc tế.
“Nghị quyết 57 đặt mục tiêu kinh phí chi cho nghiên cứu - phát triển đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%, đồng thời bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Sau khi Nghị quyết 57 ban hành, TPHCM đã tổ chức hai cuộc hội thảo để lắng nghe các góp ý của chuyên gia, nhà khoa học và xác định một số trọng tâm cần ưu tiên, nhằm ban hành kế hoạch hành động. Chậm nhất là vào tháng 2 tới, Thành phố sẽ ban hành kế hoạch này”, ông Phan Văn Mãi cho biết.
Lãnh đạo TPHCM khẳng định, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Nghị quyết 57 sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn, đồng bộ, để trở thành động lực cho kinh tế Thành phố bứt phá.
80% thủ tục hành chính trực tuyến được thực hiện toàn trình
Nhìn lại năm 2024, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, ở cả ba trụ cột về chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, TPHCM đều đạt kết quả tích cực, người dân và doanh nghiệp có thể nhìn thấy được.
Về mục tiêu năm 2025, ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố phấn đấu giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình đạt ít nhất 80%. Các ứng dụng như Công dân số sẽ là kênh tương tác hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
TPHCM phấn đấu giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến đạt tỷ lệ 80%. Ảnh: Phương Quyên
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, qua sự tương tác hai chiều, chính quyền Thành phố sẽ điều chỉnh hoạt động phù hợp hơn để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về kinh tế số, lãnh đạo Thành phố cho biết, sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong đó, xác định các lĩnh vực trọng tâm để đầu tư từ ngân sách, tạo cơ chế, chính sách thực hiện. Theo ông Phan Văn Mãi, đây cũng là nội dung để triển khai Nghị quyết 57.
"Thành phố đang nghiên cứu những cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số hay phát triển KH-CN sẽ được hỗ trợ đầu tư từ 30 - 50%, thậm chí hỗ trợ 100%", Chủ tịch UBND TPHCM thông tin.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng nghiên cứu hỗ trợ các ứng dụng dùng chung, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, để tạo bước chuyển trong năm 2025.
Đồng thời, cũng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ thông tin để tạo hạt nhân của chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia vào với hai tư cách, là người cung cấp sản phẩm dịch vụ và bản thân cũng phải đổi mới sáng tạo.
Những bước đi nói trên, theo ông Phan Văn Mãi là để TPHCM đạt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đạt 25% năm 2025 và tăng lên 40% vào năm 2030.
Về xã hội số, Thành phố sẽ hoàn thiện các hạ tầng CNTT, viễn thông, giới thiệu nhiều ứng dụng cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm, an sinh.
Hồ Văn