Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Ấn Độ gặp mặt lần đầu sau 5 năm

Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Ấn Độ gặp mặt lần đầu sau 5 năm
3 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Nga ngày 23/10/2024. Ảnh: Reuters
Hãng tin RT trích dẫn thông cáo của chính phủ Ấn Độ về cuộc gặp song phương cho biết ông Modi hoan nghênh "thỏa thuận về việc hoàn toàn giải quyết các vấn đề" phát sinh từ năm 2020 với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "xử lý đúng đắn các bất đồng và tranh chấp và không để chúng làm xáo trộn hòa bình và sự ổn định".
Bản thông cáo còn nhấn mạnh rằng "mối quan hệ song phương ổn định, có thể dự đoán và thân thiện" giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới, "sẽ có tác động tích cực đến hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và toàn cầu", từ đó góp phần tạo nên "một châu Á đa cực và một thế giới đa cực".
Về phía nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tân Hoa Xã trích dẫn tuyên bố của ông Tập Cận Bình cho biết cả Bắc Kinh và New Delhi nên tăng cường giao tiếp và hợp tác, đồng thời quản lý đúng đắn các bất đồng. Trong khi đó theo đài truyền hình nhà nước CCTV, ông Tập cho biết: "Việc nắm bắt đúng xu hướng lịch sử và hướng phát triển quan hệ của hai nước là vì lợi ích cơ bản của quốc gia cũng như nhân dân Trung Quốc và Ấn Độ".
Đặc biệt, khi tóm tắt về buổi gặp mặt ngày 23/10 trước truyền thông, Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng các đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới Ấn Độ - Trung Quốc sẽ sớm họp để "giám sát" việc thực hiện các thỏa thuận mới nhất "và tìm ra giải pháp công bằng, hợp lý và có thể chấp nhận được cho vấn đề biên giới". New Delhi nhấn mạnh rằng các thỏa thuận mà hai nước láng giềng đạt được sẽ "tạo không gian để bình thường hóa quan hệ trở lại".
Cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Narendra Modi diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc và Ấn Độ công bố thỏa thuận tuần tra các khu vực biên giới đang tranh chấp. Cụ thể từ năm 2020, mối quan hệ song phương đã trở nên căng thẳng khi hai bên xảy ra đụng độ tại Đường kiểm soát thực tế (LAC) - đường biên giới tranh chấp dài 3.500 km giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Trong vòng 4 năm kể từ đó, hai bên đã tiến hành hơn 30 vòng đàm phán, bao gồm cả ở cấp độ ngoại giao và quân sự.
Tới tháng 9/2024 vừa qua, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar thông báo đã có "một số tiến triển" về tranh chấp biên giới, với khoảng 75% "vấn đề rút quân" đã được giải quyết. Tuy nhiên vào thời điểm đó, ông và các quan chức quân đội đã làm rõ rằng hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào về việc triển khai quân đội và vũ khí cũng như tuần tra khu vực.
Tới ngày 21/10 - một ngày trước khi ông Modi lên đường tới Nga để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS - Ấn Độ cho biết tình hình ghi nhận một bước đột phá khi hai bên đạt được thỏa thuận về hoạt động tuần tra dọc theo LAC giữa phía đông Ladakh do Ấn Độ kiểm soát và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát. Trung Quốc đã xác nhận việc này một ngày sau đó.
Phái đoán Trung Quốc và Ấn Độ gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Nga ngày 23/10/204. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ
Ngân Hà
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/chu-tich-trung-quoc-va-thu-tuong-an-do-gap-mat-lan-dau-sau-5-nam-34819.html