Sáng 28-4, tại Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa VII, 100% đại biểu HĐND đã biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh năm 2025. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh khẳng định, việc sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận sẽ tạo ra những tác động tích cực toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa sau sắp xếp, cả ở tầm chiến lược lẫn điều hành thực tiễn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa VII.
Sẽ hình thành vùng kinh tế động lực mới
- Xin ông cho biết về việc triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận?
- Khẩn trương thực hiện phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là yêu cầu cấp bách được đặt ra hiện nay. Trong thời gian rất ngắn, Đề án sắp xếp tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận đã được xây dựng, tổ chức lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân 2 tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận, cũng như Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh đã tổ chức các hội nghị để trao đổi, thảo luận, đi đến thống nhất với quyết tâm chính trị rất cao đối với việc thực hiện chủ trương sắp xếp 2 tỉnh. Theo đúng trình tự quy định, chủ trương này cũng đã được Ban Chấp hành Đảng bộ 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận biểu quyết tán thành theo hướng: Sau sáp nhập, tỉnh mới mang tên Khánh Hòa (trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay) nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả quản trị công trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại kỳ họp này, 100% đại biểu HĐND đã biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận. Theo phương án sắp xếp, sáp nhập tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận, tỉnh mới lấy tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay. Tỉnh Khánh Hòa mới có diện tích tự nhiên 8.555,86km2 (đạt 171,12% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 2.234.554 người (đạt 159,61% so với tiêu chuẩn) và 65 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 48 xã, 16 phường, 1 đặc khu.
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nội dung tại kỳ họp.
- Ông đánh giá như thế nào về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa sau sắp xếp?
- Việc sáp nhập tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận sẽ tạo ra những tác động tích cực toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa sau sắp xếp, cả ở tầm chiến lược lẫn điều hành thực tiễn. Trên bình diện tổng thể, tỉnh mới có quy mô dân số và diện tích lớn hơn, với dư địa phát triển đầy tiềm năng, là cơ sở để hoạch định các chính sách phát triển dài hạn, tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời tăng cường hiệu quả điều hành.
Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ được mở rộng về quy mô kinh tế và nâng cao hiệu quả đầu tư, nhờ đơn vị hành chính mới có tổng sản phẩm kinh tế lớn hơn, tăng khả năng lan tỏa và tích hợp chuỗi giá trị; sự hợp nhất giúp cải thiện môi trường đầu tư, tinh gọn thủ tục hành chính, thu hút thêm vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng và không gian phát triển từ việc đồng bộ hóa quy hoạch không gian kinh tế - xã hội, đặc biệt là các tuyến hành lang phát triển chiến lược và cảng biển; việc tích hợp hệ thống hạ tầng sẽ giúp giảm chi phí logistics, hạn chế quy hoạch chồng lấn và tranh chấp đất đai. Ngoài ra, sẽ tái cơ cấu lao động, tăng cơ hội việc làm và thu nhập; tối ưu hóa chi ngân sách và nâng cao đầu tư xã hội; cải thiện chất lượng dịch vụ công và phúc lợi xã hội…
Sau sắp xếp, thế mạnh của mỗi tỉnh sẽ được phát huy và bổ sung cho nhau để phát triển như: Khánh Hòa có lợi thế về du lịch, cảng biển, công nghiệp và logistics còn Ninh Thuận có thế mạnh về năng lượng tái tạo, nông nghiệp đặc thù. Việc kết hợp sẽ hình thành vùng kinh tế động lực mới, phát triển cân bằng giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ có lợi thế vượt trội về vị trí và hạ tầng liên vùng, với hệ thống giao thông quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện để trở thành trung tâm kinh tế biển và năng lượng tái tạo trọng điểm quốc gia, là cực tăng trưởng của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên.
Sau sắp xếp, tỉnh vẫn kiên định thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra. Đến năm 2030, Khánh Hòa phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; GRDP bình quân đầu người sẽ vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước, tăng trưởng liên tục hai con số về tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách…
Thành lập 41 đơn vị hành chính cấp xã mới
- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được tỉnh nghiên cứu, rà soát như thế nào, thưa ông?
- Việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đã được UBND thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; có tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương sau sắp xếp.
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh được thực hiện trên cơ sở rà soát, nghiên cứu, phân tích toàn diện các yếu tố liên quan của từng địa phương như: Số lượng đơn vị hành chính, số liệu diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, kết quả phân loại đơn vị hành chính và phân loại đô thị của các đơn vị hành chính cấp xã; các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý, tự nhiên, cộng đồng dân cư, quy mô, trình độ phát triển kinh tế và yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy chính quyền địa phương và mức độ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử của các địa phương trong thời gian qua. Xây dựng đơn vị hành chính cấp xã gần dân, sát dân; thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân bầu ra, vì nhân dân phục vụ.
- Xin ông cho biết cụ thể về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh?
- Tỉnh thực hiện sắp xếp 132 xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh để thành lập 41 đơn vị hành chính cấp xã mới, trong đó có 29 xã, 11 phường và 1 đặc khu.
Đối với địa bàn TP. Nha Trang, thành lập mới các phường: Nha Trang, Bắc Nha Trang, Tây Nha Trang và Nam Nha Trang. Địa bàn TP. Cam Ranh, thành lập mới các phường: Cam Ranh, Bắc Cam Ranh, Cam Linh, Ba Ngòi và xã Nam Cam Ranh. Địa bàn thị xã Ninh Hòa, thành lập mới các phường: Ninh Hòa, Đông Ninh Hòa, Hòa Thắng và các xã: Tân Định, Hòa Trí, Bắc Ninh Hòa, Nam Ninh Hòa, Tây Ninh Hòa. Huyện Vạn Ninh, thành lập mới các xã: Vạn Ninh, Đại Lãnh, Tu Bông, Vạn Thắng, Vạn Hưng. Huyện Diên Khánh thành lập mới các xã: Diên Khánh, Diên Lạc, Diên Điền, Diên Lâm, Diên Thọ, Suối Hiệp. Huyện Cam Lâm, thành lập mới các xã: Cam Lâm, Suối Dầu, Cam Hiệp, Cam An. Huyện Khánh Vĩnh, thành lập mới các xã: Khánh Vĩnh, Bắc Khánh Vĩnh, Trung Khánh Vĩnh, Tây Khánh Vĩnh, Nam Khánh Vĩnh. Huyện Khánh Sơn thành lập mới các xã: Khánh Sơn, Đông Khánh Sơn, Tây Khánh Sơn. Huyện Trường Sa sẽ thành lập 1 đặc khu Trường Sa.
UBND tỉnh sẽ tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đề án kèm theo để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (thực hiện)