Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vừa ký quyết định biệt phái hơn 400 cán bộ cấp tỉnh về hỗ trợ cho các xã, phường, đặc khu.
Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng, những cán bộ, công chức được biệt phái về xã, phường lần này phải thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “Tôi làm cán bộ xã”.
Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về quyết định trên.
Ông Hồ Văn Mười (thứ hai phải qua) kiểm tra thực địa tại khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, xã Tân Minh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: QUỐC TÍN
. Phóng viên: Thưa ông, cuối năm 2020, khi đang là Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cũ, thời điểm Bộ Công an thực hiện đề án công an xã chính quy, ông đã phát động, triển khai rất thành công chương trình “Tôi làm công an xã”.
Nay, UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai chương trình tăng cường hơn 400 cán bộ cấp tỉnh về hỗ trợ cho các xã, phường. Ôngcho biết mục tiêu, kỳ vọng của chương trình “Tôi làm cán bộ xã”?
+ Ông Hồ Văn Mười: Có thể nói, chương trình tăng cường hơn 400 cán bộ các sở, ngành về hỗ trợ cho các xã, phường xuất phát từ ý tưởng “Tôi làm công an xã” của chính lực lượng Công an Đắk Nông cũ triển khai vào cuối năm 2020.
“Tôi làm công an xã” là một chủ trương lớn của Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh lúc bấy giờ, nhằm góp phần tạo sự chuyển biến, đồng thuận trong cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng, cũng như thực hiện tốt đề án công an xã chính quy.
Xuất phát từ ý tưởng này, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho nghiên cứu biệt phái lực lượng cán bộ cấp tỉnh về hỗ trợ 124 xã, phường, đặc khu.
Ông Hồ Văn Mười nghe chủ đầu tư báo cáo tiến độ khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, xã Tân Minh, tỉnh Lâm Đồng.Ảnh: ĐÌNH HÒA
Trước mắt, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành phát động phong trào, để cán bộ tại đơn vị có chuyên môn xung phong tăng cường về xã làm việc. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực như khoa học công nghệ, địa chính, môi trường, kinh tế, tư pháp,…Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương cho triển khai chương trình này.
Bước đầu, Lâm Đồng có hơn 400 cán bộ cấp tỉnh sẽ được biệt phái về hỗ trợ cho 124 xã, phường, đặc khu trên địa bàn; thời gian tăng cường 1-3 tháng.
Trong lần tăng cường này sẽ ưu tiên đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, có năng lực, tinh thần xung kích về cơ sở. Qua đó, chính cán bộ tăng cường cũng được nâng cao trình độ, cọ sát thực tiễn và có những trải nghiệm quý báu để phục vụ tốt hơn trong quá trình công tác về sau và sẽ được điểm cộng trong hồ sơ cán bộ.
Trước khi tăng cường, chúng tôi sẽ cho tập huấn, đào tạo rất kỹ về chuyên môn. Đội ngũ này sẽ ba cùng, đó là cùng ăn, cùng ở, cùng làm; đồng hành với cán bộ xã trong quá trình vận hành chính quyền địa phương hai cấp.
Ông Hồ Văn Mười đi kiểm tra hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nhân Cơ. Ảnh: CHÍNH THÀNH
Với chương trình hành động “Tôi làm cán bộ xã”, chúng tôi tin rằng, trong thời gian ngắn, các xã, phường sẽ giải quyết được phần nào những tồn tại, khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, về lâu dài, Lâm Đồng sẽ rà soát, đánh giá, trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ tính toán, đề xuất công tác cán bộ. Mục tiêu cuối cùng là làm sao bảo đảm các phường, xã, đặc khu đều có cán bộ đảm nhận tốt các vị trí việc làm để phục vụ Nhân dân tốt nhất.
. Cán bộ xã hiện nay có vai trò, nhiệm vụ, áp lực công việc rất lớn so với trước đây. Theo ông, đội ngũ này cần phải tổ chức như thế nào để cán bộ xã không chỉ làm “tròn vai, thuộc bài”, mà còn vươn tầm, đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới?
+ Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông trước sáp nhập vào ngày 9-6 là “1+1+1 của 3 tỉnh không phải bằng 3 nữa, mà phải bằng 4, bằng 6”.
Câu nói này có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Lâm Đồng mới, nhất là trong công tác cán bộ. Như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp phải nhận thức sau khi hợp nhất tỉnh, bản thân mình phải có suy nghĩ lớn, hành động lớn, kết quả lớn.
Ông Hồ Văn Mười tặng quà một người dân lên đăng ký giấy khai sinh cho con tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tại xã Nhân Cơ. Ảnh: CHÍNH THÀNH
Không gian mới, chính quyền mới, cách vận hành mới đòi hỏi trách nhiệm rất lớn từ đội ngũ cán bộ xã. Chính bản thân mỗi cán bộ phải tự học hỏi, tự rèn luyện, nghiên cứu, phát huy khả năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đáp ứng kỳ vọng trong tình hình mới.
Về lâu dài, Lâm Đồng đã, đang, sẽ có những đợt tập huấn trên mọi phương diện công tác. Tới đây, chúng tôi sẽ có những nghiên cứu, tạo ra những cẩm nang bổ ích để gửi về xã, nhằm hỗ trợ đội ngũ cán bộ xã nghiên cứu và làm việc tốt hơn.
Tuy nhiên, điều cốt lõi trong vận hành chính quyền hai cấp hiện nay vẫn là xuất phát từ chính bản thân cán bộ xã. Không ai khác, họ phải thực sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm ở mức cao nhất, khắc phục khó khăn để hoàn thành tất cả mọi công việc được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Quảng Khê. Ảnh: CHÍNH THÀNH
. Bộ máy tổ chức cấp xã qua đợt sắp xếp vừa rồi đã cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số xã, một số vị trí chưa thực sự đồng đều. Vậy chương trình “Tôi làm cán bộ xã” lần này sẽ khắc phục tình trạng trên như thế nào để tất cả 124 xã, phường, đặc khu của Lâm Đồng hoạt động hiệu quả?
+ Có thể nói rằng, sau hơn ba tuần triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các cấp chính quyền xã, phường đã rất nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ đó là phải gần dân, sát dân, lắng nghe dân, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình thực tế, giai đoạn đầu vận hành chính quyền mới, chúng tôi nhận thấy còn bộc lộ những hạn chế. Những tồn tại này cả về trước mắt và lâu dài đều cần quyết tâm khắc phục.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười cho biết, kế hoạch biệt phái hơn 400 cán bộ cấp tỉnh về hỗ trợ xã, phường sẽ phần nào giải quyết được những khó khăn, tồn tại bước đầu khi vận hành chính quyền 2 cấp. Ảnh: NGUYỄN LƯƠNG
Tồn tại hiện nay ở dưới cấp xã, phường là việc bố trí cán bộ chưa được đồng đều ở các vị trí, việc làm. Ví dụ, xã thì có công chức làm công tác địa chính, nhưng ngược lại, một số địa bàn đang thiếu. Việc bố trí cán bộ thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, tư pháp, môi trường, kinh tế,… còn những bất cập.
Nhiều vị trí lãnh đạo chưa được bổ nhiệm do thiếu công chức bảo đảm về chuyên môn và năng lực. Các lĩnh vực chuyển đổi số, giao thông, tài chính, kế toán,… đều thiếu nhân sự có trình độ phù hợp.
Qua nắm bắt, trong 124 xã, phường, đặc khu, chỉ có 11 xã, phường và đặc khu Phú Quý không có nhu cầu tăng cường cán bộ cấp tỉnh. Số xã, phường còn lại đều đăng ký nhận sự hỗ trợ. Có nhiều địa bàn đăng ký đến 12 cán bộ tăng cường hỗ trợ tất cả các lĩnh vực trừ văn phòng, kế toán và văn hóa thông tin.
Ông Hồ Văn Mười tặng quà chúc mừng hai cặp đôi đến đăng ký kết hôn lần đầu tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Tà Đùng. Ảnh: NGUYỄN LƯƠNG
Trước tình hình đó, chương trình “Tôi làm cán bộ xã” lần này được triển khai kỳ vọng sẽ khắc phục được thực trạng trên. Mỗi lĩnh vực, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ biệt phái cán bộ có chuyên môn, năng lực về hỗ trợ cán bộ xã, phường.
Với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm, chúng tôi tin rằng, trong thời gian ngắn, những khó khăn, vướng mắc bước đầu khi vận hành chính quyền hai cấp sẽ được khắc phục. Từ đây, tất cả các xã, phường, đặc khu sẽ hoạt động thông suốt, với mục tiêu gần dân, sát dân và vì nhân dân phục vụ.
.Trân trọng cảm ơn ông!
Xuân Hoát