Ngày 4-7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì buổi làm việc với Sở Tài chính về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tiếp tục tăng cường công tác tham mưu về giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án động lực, trọng điểm.
Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, chuẩn bị tổ chức một hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, trước ngày 15-7.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng làm việc với Sở Tài chính
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng so sánh tỉ lệ giải ngân hiện nay của Đà Nẵng và Quảng Nam cũ. Hiện tại, tỉ lệ giải ngân của Quảng Nam vào khoảng 34%, còn Đà Nẵng chỉ đạt khoảng 30%. "Tôi nói thẳng, với tình hình này, nếu đến cuối năm đạt được khoảng 80% thì đã là kết quả rất tốt rồi. Còn hứa 100% thì có lẽ là... đang mơ ngủ chứ làm không nổi! Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế để đưa ra giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn" - ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Về các vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ, ông Triết cho rằng phải chỉ rõ những điểm cụ thể như giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, khoáng sản, quy trình thủ tục, giải ngân vốn ODA... "Mấu chốt vẫn nằm ở năng lực và sự vào cuộc thực chất của đội ngũ cán bộ. Nơi nào cán bộ thực sự vào cuộc thì tiến độ sẽ nhanh, còn nơi nào lơ là thì chắc chắn sẽ chậm" - ông Triết nhấn mạnh.
Về trách nhiệm cụ thể, ông Triết yêu cầu phải giao tiến độ cụ thể cho từng dự án, từng ban quản lý. Các đơn vị phải cam kết tiến độ rõ ràng và định kỳ nửa tháng một lần báo cáo kết quả. Tiến độ và kết quả công việc phải gắn với trách nhiệm cá nhân, được lượng hóa bằng chỉ số KPI.
"Tới đây, tất cả các lĩnh vực đều sẽ áp dụng đánh giá theo KPI. Ai không làm được thì sẽ bị phân loại, điều chuyển hoặc thay thế theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm" - ông Triết nói.
Để thực hiện nghiêm túc việc này, ông Triết lưu ý cần có hệ thống phần mềm đánh giá minh bạch. Không thể để tình trạng tự đánh giá, rồi nể nang, rồi "thương nhau mà đánh giá đẹp" là không đúng, không khách quan.
Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công, ông Triết yêu cầu Sở Tài chính chú ý đến việc trang bị phương tiện phục vụ công vụ, đặc biệt là ô tô cho các xã, phường và cả cấp thành phố. Hiện nay, phương tiện nhiều nơi đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu công tác. Nhiều xe cọc cà cọc cạch, chạy "từ đây xuống đó hết xăng", không thể đáp ứng đi đến vùng núi Trà My hay Tây Giang.
Ông đề nghị nghiên cứu cơ sở pháp lý để áp dụng cho phù hợp. "Trước đây, ở Quảng Nam, tôi cũng đã từng chỉ đạo thực hiện một cuộc cách mạng nhỏ để trang bị xe công, tuy có cải thiện nhưng chưa đáng kể. Thực tế hiện nay, Đà Nẵng về phương tiện phục vụ công vụ thậm chí còn thua cả Quảng Nam cũ" - ông Triết thẳng thắn.
Theo quy định hiện hành, mỗi xã, phường được trang bị 2 xe. Tuy nhiên, ông Triết cho rằng, tùy theo quy mô, đặc thù địa phương, cần chủ động tính toán, đề xuất thêm để đảm bảo cán bộ có điều kiện làm việc. "Không có phương tiện thì cơ sở thực sự bó tay, không thể làm việc được" - ông nhấn mạnh.
Đối với công tác quản lý tài sản công, ông Triết đề cập đến việc xử lý trụ sở dôi dư và yêu cầu phải có phương án xử lý cụ thể đối với các trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập. Hiện nay vẫn còn rất nhiều tài sản chưa được tính toán phương án sử dụng. Quảng Nam khi sáp nhập với Đà Nẵng có tới 2.670 cơ sở công sản, hiện chỉ sử dụng khoảng một nửa, còn lại là bỏ trống.
"Trong khi chưa xử lý được thì ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ? Tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh ai chi trả? Không thể để trống như vậy rồi để bò vào, đối tượng ma túy vào chích là không được" - ông Triết cảnh báo.
Ông Triết đề nghị Sở Tài chính xây dựng phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp. Không thể để tình trạng bị phê bình là "buông lỏng, không có phương án gì.
B.Vân