Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế phát triển tất yếu, mà còn là động lực trọng yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững.
Trên cơ sở Nghị quyết 98, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, quy mô áp dụng toàn địa bàn thành phố, hướng đến mục tiêu thiết lập hệ sinh thái giao thông sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh.
Thành phố sẽ thành lập tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo các nội dung liên quan đến chuyển đổi xanh. Ảnh: Hữu Hạnh
Đề án dự kiến hoàn thiện trong quý IV/2025, sẽ đề xuất cụ thể cơ chế, chính sách và lộ trình nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
UBND TP.HCM đề nghị Tập đoàn Vingroup đồng hành với thành phố trong triển khai các giải pháp chuyển đổi xanh. Đồng thời, giao Sở Xây dựng phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin về cơ chế, chính sách liên quan để doanh nghiệp có căn cứ tham gia thực hiện đúng quy định pháp luật.
Thành phố cũng khuyến khích Vingroup phối hợp với Trường Đại học VinUni và các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi xanh tại huyện Cần Giờ và Côn Đảo, hoàn thành trong quý IV/2025.
Để đẩy nhanh tiến độ, TP.HCM sẽ thành lập Tổ công tác tư vấn và tham mưu cho lãnh đạo UBND TP.HCM về các nội dung liên quan đến chuyển đổi xanh. Tổ công tác do Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM làm tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các sở: Xây dựng, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Sở Xây dựng và Sở Công Thương cũng được giao làm việc cụ thể với huyện Củ Chi và Bình Chánh để tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục lắp đặt trạm sạc xe điện, đảm bảo hoàn thành trong tháng 5/2025.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM sẽ chủ trì đề xuất các dự án đủ điều kiện tham gia đề án xây dựng và vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon tại TP.HCM, một bước đi chiến lược trong chương trình giảm phát thải khí nhà kính.
TP.HCM hiện là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phát triển giao thông xanh. Năm 2020, thành phố đã phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng gắn với kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân. Đến nay, 31,1% xe buýt của thành phố đã sử dụng năng lượng sạch như điện hoặc khí CNG.
Đề án kiểm soát khí thải được chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn 1 (triển khai từ 2025): Chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh đến năm 2030. Thành phố đưa ra chính sách hỗ trợ đặc biệt: vay vốn đến 85% giá trị xe, lãi suất cố định 3% trong 7 năm, mức hỗ trợ cao nhất từ trước đến nay đối với lĩnh vực xe buýt.
Giai đoạn 2: Xây dựng chính sách giảm khí thải toàn diện đối với các phương tiện giao thông còn lại, bao gồm chính sách khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp chuyển đổi sang xe xanh; triển khai chương trình thu mua, đổi xe cũ lấy xe mới sử dụng năng lượng sạch. Đồng thời, thành phố sẽ nghiên cứu phân vùng ưu tiên xe xanh, hạn chế xe chạy nhiên liệu hóa thạch tại khu vực trung tâm, huyện Cần Giờ và Côn Đảo.
Hiện nay, Sở Xây dựng đã hoàn tất chuyên đề giai đoạn 1 và báo cáo UBND TP.HCM Dự thảo nghị quyết đang được tiếp tục hoàn thiện, có tính đến tác động của việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh trong năm 2025. Giai đoạn 2 cũng đang được triển khai với sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn, dự kiến trình UBND TP.HCM trong quý IV/2025.
Chủ tịch UBND TP.HCM phân công Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường theo dõi toàn diện quá trình triển khai.
NH