Chủ tịch WEF chia sẻ 5 yếu tố trở thành nhà lãnh đạo trẻ

Chủ tịch WEF chia sẻ 5 yếu tố trở thành nhà lãnh đạo trẻ
2 giờ trướcBài gốc
Phép ẩn dụ về kỹ năng lãnh đạo
Trong chương trình Talkshow truyền cảm hứng cho giới trẻ TP HCM diễn ra ngày 6/10, với chủ đề “Kinh tế tri thức–Nền tảng cho thịnh vượng và hành động của giới trẻ”, Giáo sư Klaus Schwab – Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã chia sẻ cho các bạn trẻ phép ẩn dụ về kỹ năng lãnh đạo.
Giáo sư Klaus Schwab cùng phu nhân (mặc váy trắng) chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Trường Đại học Hoa Sen tại Talkshow do UBND TP HCM tổ chức.
Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, phép ẩn dụ này rất cần thiết để giới trẻ định hướng vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội của Kỷ nguyên trí tuệ (KNTT). Trong phép ẩn dụ này, kỹ năng lãnh đạo cũng giống như cơ thể con người, bao gồm 5 yếu tố thiết yếu phải phối hợp chặt chẽ với nhau để dẫn dắt một cách có hiệu quả và có mục đích.
Những yếu tố này là: tâm hồn, bộ não, trái tim, cơ bắp và hệ thần kinh. Mỗi yếu tố đóng một vai trò độc nhất và không thể thay thế, và chỉ khi biết tích hợp cả 5 yếu tố này mới có thể trở thành những nhà lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu của tương lai.
Về yếu tố tâm hồn, theo Giáo sư Klaus Schwab, nó đại diện cho mục đích. Cốt lõi của bất cứ nhà lãnh đạo vĩ đại nào cũng là tâm hồn, tượng trưng cho mục đích. Trong KNTT, công nghệ tiếp tục phát triển và các ngành công nghiệp sẽ chuyển mình, nhưng mục đích của con người vẫn sẽ không đổi vì nó là lẽ sống, là lý do vì sao phải làm những việc mình đang làm.
“Khi các bạn bước vào tương lai, hãy tự hỏi: thứ đang thúc đẩy bạn là gì? Bạn muốn tạo ra tác động gì lên thế giới, cộng đồng, hay sự nghiệp của mình? Mục đích của bạn là nền tảng của cách mà bạn lãnh đạo. Trong một thế giới đầy biến đổi đến chóng mặt trong lĩnh vực công nghệ, chúng ta rất dễ đánh mất, bỏ quên những điều thực sự quan trọng. Nhưng chính mục đích, những giá trị cốt lõi của các bạn sẽ dẫn dắt các bạn qua sự bất định, giúp các bạn đưa ra những quyết định có ý nghĩa, không chỉ vì sự thành công của bản thân mà còn vì lợi ích của xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam, mục đích này có thể được định hình bởi khát vọng đóng góp vào quá trình chuyển đổi số của đất nước, xây dựng nền kinh tế bao trùm và bền vững hơn, hoặc giải quyết các thách thức lớn trong xã hội. Bất kể mục đích của các bạn là gì, thì hãy để nó làm kim chỉ nam cho các bạn”, Giáo sư Klaus Schwab nói.
Có lòng trắc ẩn, mới xây dựng được xã hội bình đẳng
Đối với yếu tố bộ não, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, bộ não tượng trưng cho tri thức - những kỹ năng chuyên môn, thông tin, và sự hiểu biết mà giới trẻ cần để định hướng cho mình trước sự phức tạp của KNTT.
Giáo sư Klaus Schwab cùng phu nhân (mặc váy trắng) ngắm TP HCM từ trên cao.
“Trong thời đại này, chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức hơn bao giờ hết, nhưng nó cũng không ngừng thay đổi. Những gì bạn biết ngày hôm nay có thể ngày mai sẽ không còn phù hợp nữa. Là những người trẻ, cần phải nắm bắt sức mạnh của việc học tập không ngừng. Khái niệm này không chỉ có nghĩa là lĩnh hội kiến thức khoa học, công nghệ hay kinh doanh, mà còn nâng cao hiểu biết về thế giới xung quanh mình. Chẳng hạn cách xã hội vận hành, quá trình phát triển của các nền văn hóa…, các bạn đang bước vào một thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ, nên kiến thức của các bạn phải rộng, linh hoạt, và liên ngành. Việt Nam đang chú trọng giáo dục và phát triển kỹ năng thông qua các sáng kiến như chiến lược Giáo dục quốc gia đến năm 2030 và chương trình Chuyển đổi số. Do đó hãy tận dụng những cơ hội này để học hỏi, đổi mới và phát triển, vì tri thức là công cụ quyền năng nhất để giải quyết những thách thức phức tạp trong tương lai”, Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ.
Tiếp theo là yếu tố trái tim, tượng trưng cho đam mê và lòng trắc ẩn. Theo Giáo sư Klaus Schwab, đam mê là động lực thúc đẩy, là nhiệt huyết và quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Cùng với đó, lòng trắc ẩn giúp giữ vững đôi chân trên mặt đất, nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến lợi ích của người khác khi tiến bước trên con đường của mình. Công nghệ có thể mang lại những tiến bộ vượt bậc, nhưng nếu chúng ta không cẩn trọng, nó cũng có thể bỏ lại một số người ở phía sau. Lòng trắc ẩn sẽ giúp các bạn trẻ lãnh đạo với sự liêm chính và nhân đạo; đảm bảo sẽ xây dựng xã hội mang tính bao trùm, bình đẳng, nơi con người–bất kể xuất thân, hoàn cảnh đều có cơ hội tham gia nền kinh tế số.
Cốt lõi của lãnh đạo là thích ứng và luôn theo đuổi mục tiêu
Trong KNTT, còn có yếu tố cơ bắp, nó tượng trưng cho khả năng biến mục đích thành hành động. Có mục đích, kiến thức và đam mê thôi vẫn chưa đủ; giới trẻ còn phải có khả năng hành động, và phải hành động quyết đoán, có chiến lược và nhất quán. Hành động là yếu tố chuyển hóa ý tưởng thành sáng kiến, chiến lược thành kết quả, và ước mơ thành hiện thực. Đối với Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc phát huy các nền tảng đã được thiết lập bởi các chính sách của Nhà nước, nhưng cũng có nghĩa với tư cách cá nhân, giới trẻ cần phải có tính chủ động.
Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, lòng trắc ẩn sẽ giúp những nhà lãnh đạo trẻ với sự liêm chính và nhân đạo, sẽ xây dựng một xã hội mang tính bao trùm, bình đẳng.
Cuối cùng là yếu tố hệ thần kinh, đại diện cho sự kiên cường, là khả năng giữ bình tĩnh trước áp lực, rút kinh nghiệm từ những thất bại và thích nghi với hoàn cảnh liên tục thay đổi. KNTT sẽ không bao giờ tồn tại mà không có thách thức, sự thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ, các sự kiện gây gián đoạn nền kinh tế, thậm chí những cuộc khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu sẽ thử thách lòng quyết tâm.
Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ với giới trẻ TP HCM về 5 yếu tố để trở thành nhà lãnh đạo trẻ.
“Chắc chắn sẽ có thất bại, nhưng chính kiên cường sẽ là sự hồi phục mạnh mẽ hơn sau mỗi thách thức. Lịch sử đã chứng minh rõ sự kiên cường của Việt Nam, vượt qua muôn vàn gian khó để trở thành một nền kinh tế năng động như ngày nay. Là những người trẻ, các bạn cần nuôi dưỡng phẩm chất kiên cường không chỉ trong bản thân mà còn trong các tổ chức và cộng đồng mà các bạn lãnh đạo. Những nỗ lực của Nhà nước trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn thông qua các chính sách như chiến lược tăng trưởng Xanh quốc gia, đã phản ánh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho một tương lai chắc chắn sẽ mang lại cả cơ hội lẫn thách thức. Tóm lại khi các bạn bắt đầu hành trình bước vào KNTT, hãy nhớ rằng: cốt lõi của việc lãnh đạo không phải là sự hoàn hảo. Cốt lõi của lãnh đạo là sự phát triển, thích ứng và không ngừng theo đuổi mục tiêu hoàn thiện bản thân và thế giới xung quanh. Tôi tin rằng với linh hồn, bộ não, trái tim, cơ bắp và hệ thần kinh, các bạn sẽ lãnh đạo bằng mục đích, tri thức, lòng trắc ẩn, sức mạnh và sự kiên cường, khi đó các bạn chính là tương lai của Việt Nam”, Giáo sư Klaus Schwab khẳng định.
Yến Thanh
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chu-tich-wef-chia-se-5-yeu-to-tro-thanh-nha-lanh-dao-tre-2039078.html