Chú trọng bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí

Chú trọng bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí
một ngày trướcBài gốc
Nhiều ngày không khí ở mức kém
Sáng 20/2, khu vực Hà Nội chìm trong màn sương mờ đục, chất lượng không khí có xu hướng gia tăng ô nhiễm khi chuyển từ tốt sang trung bình và kém.
Khám bệnh về đường hô hấp tại Bệnh viện An Việt. ảnh: BVCC.
Chỉ số AQI dao động từ 42 - 128. Cụ thể, số liệu đăng tải trên trang moitruongthudo.vn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có 6 khu vực chất lượng không khí ở mức trung bình. Cao nhất là khu vực xã An Khánh (huyện Hoài Đức), chỉ số AQI ở ngưỡng 100; xã Vân Hà (huyện Đông Anh) ở ngưỡng 79; phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) ở ngưỡng 66…
Theo báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ), thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng. Có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) đã lên đến mức xấu.
Cho đến nay, thành phố Hà Nội chưa tiến hành kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ), Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy, đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô tùy vào từng điểm chiếm tỷ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất, từ 58 - 74%; tiếp đến là nguồn công nghiệp từ 14 - 23%; nguồn nông nghiệp từ 3,4 - 18,9%; nguồn dân sinh và nguồn đốt rác có mức đóng góp thấp nhất.
“Sát thủ vô hình” ảnh hưởng đến sức khỏe được các chuyên gia chỉ ra là vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô nổi bật nhất là ô nhiễm bụi PM 2.5 và PM 10. Bụi mịn PM2.5 hay PM10 rất nhỏ, chỉ chiếm 1/30 hoặc 1/50 của một sợi tóc nên có thể xuyên qua hệ thống phòng ngừa trong mũi, trong phế quản, vào thẳng trong phế nang, nơi trao đổi chất và vào trong máu gây rối loạn trao đổi chất, các chức năng cơ thể, kể cả hệ thống gen.
Nguy cơ gây bệnh đường hô hấp
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt nhấn mạnh, ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng tới phổi và hệ hô hấp mà còn gây tổn hại đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Mùa đông lạnh giá kết hợp với ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người có sức đề kháng yếu. Những nhóm dễ bị ảnh hưởng bao gồm người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em và người có sức khỏe kém.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân trước những ảnh hưởng có hại của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân, nhất là những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi, có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.
Các khuyến cáo này được đưa ra dựa trên chỉ số chất lượng không khí AQI. Theo đó, khi chỉ số AQI chất lượng không khí ở mức kém đã có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là nhóm người nhạy cảm, cần giảm hoặc hạn chế các hoạt động ngoài trời để tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí.
Người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý ngành liên quan. Khi ra khỏi nhà, cần thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đúng quy cách. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Với người hút thuốc lá, thuốc lào, nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút. Không nên hút thuốc trong nhà. Với người không hút thuốc, nên tránh xa khói thuốc. Thường xuyên tự theo dõi sức khỏe và thực hiện khám sức khỏe định kỳ.
Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Dương Toàn
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/chu-trong-bao-ve-suc-khoe-truoc-o-nhiem-khong-khi-10300294.html