Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các chuyên gia vừa đưa ra hàng loạt cảnh báo rủi ro từ bên ngoài đối với tỷ giá và lãi suất trong nửa cuối năm.
USD yếu đi nhưng VND vẫn mất giá
Theo ghi nhận của VnBusiness, ngày 8/7, tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục nối dài đà tăng so với phiên trước. Cụ thể, tăng 33 đồng ở chiều mua và 8 đồng chiều bán, giao dịch quanh mốc 26.433 - 26.508 VND/USD.
Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại quay đầu giảm. Tại Vietcombank giao dịch ở mức 25.970 VND/USD (mua vào) và 26.330 VND/USD (bán ra), giảm 25 đồng ở cả hai chiều so với sáng 7/7. Tương tự, BIDV cũng giảm 25 đồng ở cả hai ở chiều giao dịch, xuống mức 25.965-26.325 VND/USD (mua vào-bán ra).
Theo NHNN, từ đầu năm đến nay, USD Index (DXY) - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh giảm khoảng 10%, tuy nhiên VND vẫn mất giá từ 2,7-2,8% so với USD. Còn theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ số giá USD bình quân quý II/2025 tăng 2,98%; bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,30%.
Không chỉ so với USD, tiền đồng cũng mất giá so với Yên Nhật hay Bảng Anh.
Tại họp báo quý II/2025 tổ chức ngày 8/7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), lý giải nguyên nhân chính khiến tiền đồng mất giá dù USD yếu đi là việc Việt Nam duy trì lãi suất tiền đồng ở mức thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nguyên nhân chính khiến tiền đồng mất giá gần 3% là do Việt Nam duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay giảm 0,6% so với cuối năm 2024.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ lý giải, khi VND không còn hấp dẫn, đồng USD hấp dẫn hơn, các tổ chức sẽ chuyển sang nắm giữ USD. Mặc dù nhìn cán cân thanh toán vẫn ổn định, vẫn có thặng dư tốt nhưng dòng tiền chuyển đổi rất nhanh liên quan đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán liên tục rút vốn từ năm 2024 đến nay, gây sức ép lớn lên thị trường ngoại hối.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, thời gian qua, để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận được lãi suất thấp, NHNN đã duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Điều này dẫn tới chênh lệch lãi suất VND và USD ở trạng thái âm, từ đó kích thích cầu đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho tỷ giá.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và phát triển khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, tỷ giá USD/VND đang chứng kiến đà tăng đáng kể khi đã vượt mốc 26.000 đồng. Nguyên nhân chính đến từ việc chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD. Ngoài ra, các sức ép lên tỷ giá gồm nhu cầu USD tăng, thặng dư thương mại không mạnh như các năm trước.
“Chúng ta cần nhớ rằng, khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn chưa bị ảnh hưởng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chắc chắn sẽ vẫn tập trung vào việc kiềm chế lạm phát. Với áp lực lạm phát hiện tại, FED không có lý do gì phải vội vã cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, bức tranh này có thể thay đổi nếu lạm phát vẫn duy trì nhưng tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, dẫn đến tác động tiêu cực đến tỷ lệ thất nghiệp và việc làm.
Lúc đó, FED chắc chắn sẽ phải cân nhắc lại quyết định của mình về việc có nên cắt giảm lãi suất hay không, hoặc sẽ hành động theo dự báo thị trường. Hiện tại, dữ liệu trên CME Group cho thấy xác suất cao về 1 đến 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, dự kiến vào tháng 9 hoặc tháng 10. Đây có thể là thời điểm phù hợp để áp lực tỷ giá của chúng ta bắt đầu hạ nhiệt”, ông Minh nhận định.
Dự báo "đường đi" của tỷ giá, lãi suất
Ở nửa cuối năm, ông Quang dự báo tỷ giá chịu thêm sức ép từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 7/7, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng ở mức mới từ ngày 1/8, theo đó, hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia sẽ chịu mức 25%; Indonesia, Bangladesh, Campuchia và Thái Lan bị áp 32-36%; cao nhất là Lào và Myanmar với 40%. Ông Quang cho rằng với biểu thuế suất này, dòng vốn FDI sẽ bị ảnh hưởng lớn. Bởi Việt Nam có độ mở lớn, thị trường xuất khẩu rất lớn, đặc biệt xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời chính sách thuế quan của Mỹ cũng tác động mạnh tới các đối tác lớn của Việt Nam. Vì vậy, chính sách thuế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới khi dòng vốn có sự dịch chuyển giữa các quốc gia.
Bên cạnh đó, hành động của FED tới đây cũng ảnh hưởng lớn đến lãi suất, tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, FED đã trì hoãn giảm lãi suất 2 lần do chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump. Mặc dù lạm phát tại các nước châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm nhưng lạm phát ở Mỹ lại rất bấp bênh. Trong khi đó, chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ là dựa trên các số liệu, đặc biệt là dữ liệu việc làm, nhưng dữ liệu này lại đang có rất nhiều ẩn số.
Cũng đưa ra những nhận định như trên, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo tỷ giá cho cả năm 2025 có thể tăng ít nhất 5%.
Đồng thời, chuyên gia này khẳng định vấn đề thuế quan với Mỹ sẽ là yếu tố tác động rất mạnh đến tỷ giá. Ngoài ra, việc tăng trưởng kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu cũng là một yếu tố cố hữu. Khi nhập khẩu nhiều, nhu cầu ngoại tệ sẽ tăng, từ đó đẩy tỷ giá lên.
“Về lạm phát, dù 6 tháng đầu năm đang được kiểm soát tốt ở mức 3,27% (dưới mục tiêu 4,5%), nhưng từ nay đến cuối năm, tình hình có thể khó kiểm soát hơn, và đây cũng là một yếu tố có thể đẩy tỷ giá tăng lên”, ông Hiếu nói.
Trước bối cảnh này, ông hiếu cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu, nên cân nhắc việc mua các hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn từ các ngân hàng. Điều này giúp họ bảo vệ mình trước biến động của tỷ giá, bảo đảm có đủ ngoại tệ để thanh toán và ấn định được một mức tỷ giá ngay từ khi ký hợp đồng.
Một giải pháp dài hạn hơn là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào hai thị trường lớn là Trung Quốc (nhập khẩu) và Mỹ (xuất khẩu).
Về lãi suất, hiện lãi suất cho vay bình quân với các khoản vay mới giảm 0,64% so với cuối năm ngoái, về 6,24%/năm. Lãnh đạo NHNN cho biết cơ quan này tiếp tục theo dõi sát sao lạm phát và điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thanh Hoa