Sắp bỏ room tín dụng
Tại cuộc họp báo Ngân hàng Nhà nước ngày 8/7, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, trước đây chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng trưởng tín dụng nóng, có giai đoạn lên đến 54%. Tốc độ tăng trưởng quá lớn vượt khả năng kiểm soát của các tổ chức tín dụng, thậm chí có tổ chức tín dụng đứng trên bờ vực phá sản, lãi suất huy động trên thị trường tăng cao, rơi vào vòng xoáy cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng room tín dụng để ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.
"Tuy nhiên, không có giải pháp nào vĩnh viễn và Ngân hàng Nhà nước nhận thấy đây là giải pháp hành chính cần thay đổi. Đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã gỡ bỏ room tín dụng cho nhóm ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng... Room tín dụng hiện chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại. Đây là giai đoạn nằm trong lộ trình gỡ bỏ việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các tổ chức tín dụng", ông Quang cho biết.
Room tín dụng hiện chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại.
Về bỏ room tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Quang cho rằng, những hệ lụy của quá khứ vẫn còn tồn tại. Do đó, để đảm bảo xử lý tổng thể một cách trọn vẹn, cần có giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam: Vừa đảm bảo tăng trưởng của các tổ chức tín dụng, an ninh kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát. Các tổ chức quốc tế khuyến nghị, để thực hiện được đa mục tiêu trên, trong trường hợp bỏ room, Ngân hàng Nhà nước phải chủ động cao hơn trong điều hành lãi suất.
"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách để có tiền bỏ hoàn toàn room tín dụng", ông Quang cho hay.
Gỡ rào cản
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho rằng, việc bỏ room tín dụng là rất phù hợp và cần thiết, nhằm tăng tính chủ động cho các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh ngân hàng lớn đã áp dụng tiêu chuẩn Basel 3. Hơn nữa, năng lực tài chính của các ngân hàng được cải thiện khi vốn điều lệ được nâng lên hằng năm.
"Dựa vào khả năng huy động vốn và nhu cầu vay vốn của thị trường, ngân hàng sẽ chủ động cho vay. Tránh trường hợp còn vốn mà không thể cho vay vì bị mắc hạn mức tăng trưởng tín dụng", ông Hùng nói.
Cũng ông Hùng cho rằng, để tự chủ về tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng phải tự xây dựng hệ số an toàn của mình để cho vay, đảm bảo an toàn của đồng vốn, cho vay thu hồi được nợ. Cụ thể như hệ số an toàn với cho vay bất động sản, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn là bao nhiêu... Mục tiêu là để đảm bảo an toàn của chính tổ chức tín dụng đó cũng như an toàn hệ thống.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới - cho rằng, không nên quản ngân hàng bằng room tín dụng , chỉ nên quản bằng lãi suất.
Theo ông Lược, khi nền kinh tế dần phục hồi và nhu cầu tín dụng tăng cao, room tín dụng bắt đầu trở thành rào cản cho sự phát triển của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại phản ánh rằng, họ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn do đã gần chạm đến mức room tín dụng được phân bổ, dù nhu cầu tín dụng là hợp lý và có tính khả thi cao.
"Bỏ room tín dụng có thể giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ phát triển nền kinh tế, nhưng điều này cũng cần đi đôi với các biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả để tránh những hệ lụy tiêu cực như từng xảy ra trong quá khứ. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra lộ trình hợp lý để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mà còn bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính", ông Lược nói.
Ngày 6/7, tại Công điện 104 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 16% so với năm 2024 và tiến tới năm 2026 điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, phân tích, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu cho từng tổ chức tín dụng.
Ngọc Mai